Ảnh minh hoạ |
Triển khai KHLCNT chậm ảnh hưởng tiến độ lựa chọn nhà thầu
Theo Kết luận thanh tra số 44/KL-TrB, thời gian trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) bị chia thành hai lần (một lần phê duyệt danh mục mua sắm, một lần phê duyệt KHLCNT). Việc triển khai KHLCNT chậm làm ảnh hưởng tới thời gian tiến hành lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, ngày 3/8/2015, Phòng Nghiệp vụ dược tham mưu Lãnh đạo Sở Y tế lập Tờ trình số 07/TTr-NVD về việc phê duyệt KHLCNT mua thuốc, vật tư tiêu hao năm 2015 - 2016. Ngày 4/9/2015, Sở Y tế lập Báo cáo số 1154/BC-SYT báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang về việc thẩm định KHLCNT mua thuốc, vật tư tiêu hao năm 2015 - 2016. Ngày 11/9/2015, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1973/QĐ-UBND về việc phê duyệt KHLCNT... Tuy nhiên, đến ngày 15/3/2016, Sở Y tế mới công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (Gói thầu số 1, 2, 3, 4) nên năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) của tỉnh Kiên Giang phải nhiều lần mua sắm trực tiếp dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở Y tế tỉnh An Giang, Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh việc chậm tiến độ, Thanh tra Bộ Y tế còn chỉ ra những bất cập trong khâu lập KHLCNT như thiếu chính xác về phương thức đấu thầu và hình thức hợp đồng. Ví dụ như, phương thức lựa chọn nhà thầu trong KHLCNT ghi “một giai đoạn hai túi hồ sơ”, nhưng chưa ghi rõ xét thầu theo từng mặt hàng hay xét thầu trọn gói, hình thức hợp đồng trong KHLCNT ghi là “trọn gói”, nhưng theo quy định và thực tế các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện là loại hợp đồng theo đơn giá cố định, sử dụng số lượng thuốc theo nhu cầu.
HSMT, hợp đồng còn nhiều thiếu sót
Không chỉ KHLCNT, theo Thanh tra Bộ Y tế, HSMT, hợp đồng của một số gói thầu cũng bộc lộ những hạn chế, mâu thuẫn với thực tế thực hiện. Chẳng hạn như, HSMT quy định nhà thầu thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng thực tế khi thực hiện, nhà thầu lại bảo lãnh thực hiện hợp đồng với Sở Y tế. Tại Gói thầu số 5, hình thức đấu thầu là một giai đoạn hai túi hồ sơ và xét thầu trọn gói, nhưng HSMT chưa quy định rõ nhà thầu phải dự thầu trọn gói, tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp trong HSMT lại đánh giá xét theo từng mặt hàng. HSMT chưa quy định cụ thể về điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng về tài liệu kèm theo khi giao nhận thuốc như phiếu kiểm nghiệm kèm theo từng lô thuốc nên thực tế giao nhận chưa có phiếu kiểm nghiệm của lô thuốc và chưa có các tài liệu chứng minh thuốc được sản xuất khi số đăng ký còn hiệu lực (đối với các số đăng ký đã hết hiệu lực). Hợp đồng chưa nêu rõ trách nhiệm của nhà thầu khi giao nhận thuốc phải kèm theo các tài liệu về chất lượng thuốc...
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế còn chỉ ra những thiếu sót trong biên bản mở thầu, hợp đồng mua thuốc...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thanh tra Bộ kiến nghị rà soát củng cố quy trình đấu thầu thuốc đảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm thuốc tại các cơ sở điều trị. Đồng thời, tiến hành đấu thầu rộng rãi đối với nhóm thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần. Ngoài ra, Sở Y tế cần tăng cường phổ biến, tập huấn cho các cơ sở điều trị về trình tự, thủ tục mua sắm trực tiếp, đảm bảo việc mua sắm trực tiếp thuốc của các cơ sở điều trị tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2015, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã tổ chức đấu thầu 5 gói thầu mua thuốc và vật tư y tế tiêu hao tập trung phục vụ nhu cầu của các sở y tế năm 2015 - 2016, gồm: thuốc theo tên generic (Gói thầu số 1), thuốc biệt dược gốc và tương đương (Gói thầu số 2), vật tư y tế tiêu hao (Gói thầu số 3), chế phẩm y học cổ truyền (Gói thầu số 4), dược liệu (Gói thầu số 5). Tổng giá dự toán gói thầu là 1.379 tỷ đồng (3.434 mặt hàng). Tổng giá trúng thầu là 985,686 tỷ đồng (255 mặt hàng). Số lượng nhà thầu trúng thầu là 255.
Kết luận Thanh tra cũng cho biết, đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, hóa chất xét nghiệm kèm theo máy, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang không tổ chức đấu thầu rộng rãi mà chỉ định thầu cho một nhà thầu địa phương (Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế tỉnh Kiên Giang) trúng thầu.