Báo động tình trạng gian lận HSDT

(BĐT) - Trong thời gian gần đây, Báo Đấu thầu ghi nhận các vụ việc nhà thầu có hành vi gian lận hồ sơ dự thầu (HSDT) liên tiếp xảy ra và gia tăng một cách đáng báo động.
Ảnh minh họa: Lê Tiên
Ảnh minh họa: Lê Tiên

Từ gian lận tinh vi đến trắng trợn

Mới đây nhất là vụ gian lận HSDT rất tinh vi tại Bình Định. Để tham dự Gói thầu số 11 (C1-BD-GĐ2-W1) Thi công xây dựng 3 hồ chứa nước Cự Lễ, Lỗ Môn và Hố Cùng thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Đức Hải đã làm giả Quyết định số 4570/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật: Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hồ Trung, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nếu không kiểm tra những thông tin được kê khai trong HSDT, thì Bên mời thầu sẽ không biết được việc nhà thầu này đã tự ý sửa đổi một chi tiết nhỏ trong Quyết định từ “quy mô công trình cấp IV” thành “quy mô công trình cấp III”.

Tương tự, tại Lào Cai, khi so sánh đối chiếu 2 HSDT của cùng một nhà thầu, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai đã phát hiện có nhiều dấu hiệu không trung thực về năng lực và kinh nghiệm. Khi tham dự 2 gói thầu của Bên mời thầu này (một gói thầu lựa chọn nhà thầu vào tháng 7/2015 và một gói thầu vào tháng 8/2018), Công ty CP Xây dựng và Công nghệ cao HTC (tên gọi cũ là Công ty CP Trang thiết bị HanoiTC) đã cung cấp cùng một hợp đồng tương tự là Hợp đồng xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Vĩnh Niệm (Gói B) ký ngày 13/6/2014 với Công ty TNHH Công nghiệp KUMHO. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá trị hợp đồng này trong 2 HSDT lại chênh nhau tới 1 tỷ yên Nhật, tương đương khoảng 200 tỷ đồng.

Không dừng lại ở tiểu tiết, hành vi gian lận của một số nhà thầu còn cho thấy mức độ vi phạm trắng trợn hơn, coi thường pháp luật, thách thức cả chủ đầu tư, bên mời thầu cũng như các cơ quan chức năng.

Đơn cử một gói thầu có quy mô hàng trăm tỷ đồng tại Phú Yên, nhà thầu trúng thầu đã kê khai hợp đồng tương tự giả là một gói thầu xây lắp ở một địa phương khác - Thanh Hóa. Vụ việc chỉ bị phát hiện vào cuối tháng 3/2018 khi chủ đầu tư gói thầu tại Thanh Hóa cho biết họ chưa từng ký hợp đồng với nhà thầu này, và thực tế gói thầu này do một nhà thầu khác trúng thầu, đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thành.

Hay như trong ngành điện, Công ty CP Xây dựng công trình A.E đã cung cấp 2 hợp đồng tương tự giả mạo (ký với Công ty Truyền tải điện 3) để tham dự tới 6 gói thầu do Công ty Truyền tải điện 4 mời thầu. Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường (Hà Nội) cũng bị Công ty Điện lực Bắc Giang (Chủ đầu tư) phanh phui hành vi tạo dựng tài liệu giả để tham gia đấu thầu qua mạng Gói thầu 04.11 Mua sắm bảo hộ lao động năm 2018...

Còn trong ngành giao thông, vào tháng 10/2018, Công ty TNHH Tân Khánh Hòa (Khánh Hòa) bị phát hiện giả mạo 2 hợp đồng tương tự ký với Ban Quản lý các công trình xây dựng Diên Khánh để tham dự một gói thầu thuộc công trình sửa chữa đột xuất các cống Km53+740, Km53+810 và Km54+500 Quốc lộ 27C, tỉnh Khánh Hòa. Thậm chí với cả những gói thầu có giá trúng thầu lên tới hơn 500 tỷ đồng, việc gian lận HSDT vẫn xảy ra như đối với trường hợp của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 234 và Công ty CP Quản lý đường bộ Thái Bình...

Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư

Những nhà thầu có hành vi gian lận nêu trên hầu hết đã phải nhận những hình phạt đích đáng. Trong đó, đa số bị cấm tham gia đấu thầu từ 3 - 5 năm trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư có gói thầu bị vi phạm (Khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu).

Với khoảng thời gian bị “cấm cửa” này, nhiều nhà thầu sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa, phá sản. Thực tế khi đối mặt với án phạt này, một giám đốc doanh nghiệp chuyên làm nhà thầu xây lắp không khỏi thở dài não nuột khi “gõ cửa” khắp nơi để thoát “án” nhưng không thành: “4 năm nằm “đắp chiếu”, công ty lấy gì để trả lương cho công nhân với hàng trăm con người, vận hành máy móc, nhà xưởng..., chưa kể số tiền vay ngân hàng sắp đến ngày đáo hạn!”.

Không chỉ có vậy, nếu chiểu theo quy định tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì còn có nguy cơ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số nhà thầu với Báo Đấu thầu, những trường hợp bị phát hiện và đưa ra ánh sáng còn rất ít so với thực tế. Hầu hết các vụ việc bị phát hiện chỉ khi có đơn tố cáo, hoặc chủ đầu tư có ý định “bới lông tìm vết” hòng loại nhà thầu, chứ không phải hoàn toàn do công tâm và có trách nhiệm. Sở dĩ nhiều nhà thầu vẫn liều lĩnh vi phạm là vì một số chủ đầu tư phớt lờ, bao che cho nhà thầu vi phạm, hoặc chưa xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Mặt khác, những cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự bị khởi tố trên thực tế là rất hiếm.

Chuyên đề