Bản tin thời sự sáng 8/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân 46.000 tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm; chưa được cho phép tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu cạn ở Hà Nội; cưỡng chế hơn 10 tỷ tiền thuế với chủ dự án 'ôm' đất vàng ven biển Quảng Bình; Đà Nẵng phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch vốn 2023…

Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân 46.000 tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm

Tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, song để giải ngân hết số vốn còn lại (khoảng 46.000 tỷ đồng) trong 5 tháng cuối năm là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông.

8 tháng qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tận dụng tối đa thời gian thời tiết thuận lợi, tăng tốc luỹ tiến sản lượng trên công trường

8 tháng qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tận dụng tối đa thời gian thời tiết thuận lợi, tăng tốc luỹ tiến sản lượng trên công trường

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ GTVT, tính hết tháng 8/2023, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 95.200 tỷ đồng), Bộ GTVT giải ngân khoảng 49.723 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.

So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ (hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 22.263 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch).

Giá trị giải ngân 8 tháng qua của ngành giao thông tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam, đạt hơn 36.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 74% giá trị giải ngân của Bộ GTVT.

Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 9.500 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký….

Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các chủ đầu tư thuộc Bộ giải ngân gần 46.900 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 95% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT), đạt gần 54% kế hoạch năm và 95% kế hoạch do các chủ đầu tư đăng ký.

Dù tiến độ giải ngân của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, tuy nhiên, Vụ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận định, để giải ngân hết số vốn còn lại (khoảng 46.000 tỷ đồng) trong 5 tháng cuối năm là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông.

Chưa được cho phép tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu cạn ở Hà Nội

Bộ GTVT vừa trả lời UBND TP. Hà Nội về đề nghị cho duy trì điểm trông giữ phương tiện giao thông dưới gầm cầu vượt.

Hà Nội có nhu cầu cầu lớn về bãi đỗ xe dưới gầm cầu

Hà Nội có nhu cầu cầu lớn về bãi đỗ xe dưới gầm cầu

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, căn cứ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, bãi đỗ xe thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, không thuộc công trình đường bộ.

Ngoài ra, bãi đỗ xe không thuộc danh mục công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Do vậy, về nguyên tắc không được tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ bãi đỗ, dừng xe trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GTVT nhận thấy, nhu cầu sử dụng gầm cầu cạn để tận dụng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng là rất lớn. Theo Bộ GTVT, bởi quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế, kết hợp với khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt khu vực đô thị nêu trên.

Nhận thấy điều này, quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đường bộ, Ban soạn thảo đã cập nhật, đưa nội dung cho phép quản lý, sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông vào Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông không được chấp nhận đưa vào Dự thảo Luật Đường bộ.

Trước đó, đầu tháng 5/2023, TP. Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất việc tiếp tục tạm thời tổ chức trông giữ xe tại các điểm dưới khu vực gầm cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu gửi xe của nhân dân.

Cưỡng chế hơn 10 tỷ tiền thuế với chủ dự án 'ôm' đất vàng ven biển Quảng Bình

Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình, chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh vừa bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình

Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình

Ngày 7/9, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình, có địa chỉ tại số 20 Quách Xuân Kỳ, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới.

Theo đó, Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản do doanh nghiệp này có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế là 10,16 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản doanh nghiệp đối với số tiền nêu trên để nộp vào Tài khoản số 7111 mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình.

Được biết, Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh với tổng mức đầu tư 424 tỷ đồng, trên quy mô 4,25 ha.

Khoảng 3 năm nay, sau khi hoàn thành xong phần thô khối tòa nhà khách sạn, xây đến tầng 12/19 thì các hạng mục khác vẫn dang dở. Từ đó Dự án chỉ là những khối bê tông nằm trơ trọi, sắt thép và máy móc phần lớn đã rỉ sét, khuôn viên cỏ dại mọc um tùm.

Mặc dù UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đốc thúc yêu cầu Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đưa Dự án vào hoạt động theo cam kết, tuy vậy hiện nay Dự án vẫn chưa được triển khai lại.

Đồng thời, tại thông báo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công khai các dự án chậm tiến độ sử dụng đất, Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh là 1 trong 12 dự án sử dụng đất chậm tiến độ tại Quảng Bình.

Đà Nẵng phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch vốn 2023

UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản giao các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, các ban quản lý dự án thuộc UBND Thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng triển khai thực hiện Công điện 749 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Trên công trường Dự án đê kè chắn sóng cảng Liên Chiểu

Trên công trường Dự án đê kè chắn sóng cảng Liên Chiểu

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị tập trung xử lý hồ sơ, các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết toán, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Thủ trưởng các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ban quản lý các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm; tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan.

Các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên... Các ngành, địa phương thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Đặc biệt, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng giao mỏ không đúng đối tượng làm nảy sinh hoạt động mua đi bán lại tăng giá vật liệu; tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2021, Thành phố giải ngân đạt 87,8%; năm 2022 đạt 86%; năm nay, Thành phố phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

15 ngày tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải, CSGT xử lý 22 nghìn vi phạm

15 ngày thực hiện tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe container, CSGT toàn quốc đã xử lý 22 nghìn vi phạm. Tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này giảm cả ba tiêu chí.

Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) kiểm soát phương tiện

Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) kiểm soát phương tiện

Chiều 7/9, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong 15 ngày tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe container (từ 15 - 29/8), CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 22 nghìn trường hợp vi phạm. Trong đó, có 16.526 xe khách, 5.487 xe container.

Đáng nói, có 46 lái xe vi phạm nồng độ cồn, 13 người dương tính với ma túy, vi phạm tốc độ là 1.204 trường hợp, chở quá số người quy định 3.209 trường hợp, vi phạm tải trọng 273 trường hợp...

Cũng theo Cục CSGT, từ ngày 15 - 29/8, toàn quốc xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến ô tô chở khách và xe container, làm chết 28 người, bị thương 29 người. So với cùng thời gian liền kề trước đó, số vụ tai nạn giảm 14 vụ (giảm 23,73%), giảm 6 người chết (giảm 17,65%), giảm 6 người bị thương (giảm 17,14%).

Trong đó, tai nạn liên quan đến ô tô vận tải hành khách là 26 vụ, làm chết 16 người, bị thương 20 người. Tai nạn liên quan đến xe container là 19 vụ, làm chết 12 người, bị thương 9 người.

Trước đó, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container.

Điều tra việc hút cát, chặt phá cây tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, 6.804 m2 đất có cây ngập mặn, cây phi lao tái sinh tự nhiên tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy bị chặt phá; 5.605 m2 đất bãi bồi đã bị tự ý cải tạo.

Khu vực hút cát làm đầm bãi trong Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Khu vực hút cát làm đầm bãi trong Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Ngày 7/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã có văn bản chỉ đạo, giao Công an Tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm hành vi hút cát cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn trên khu vực Cồn Lu nằm trong phân khu phục hồi sinh thái thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 22/8, khi tiến hành kiểm tra tại khu vực Cồn Lu thuộc địa phận quản lý hành chính giáp ranh giữa hai xã Giao Lạc và Giao Xuân, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định phát hiện một số người dân tự ý dùng máy móc hút cát cải tạo bãi, chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, kết quả tổng hợp đến ngày 23/8, 6.804 m2 đất có cây ngập mặn, cây phi lao tái sinh tự nhiên tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy bị chặt phá (trong đó khoảng 500 cây ngập mặn và 130 cây phi lao); 5.605 m2 đất bãi bồi đã bị tự ý cải tạo. Toàn bộ diện tích trên thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Hơn 97.000 phương tiện trốn truyền dữ liệu giám sát hành trình

Chỉ trong tháng 7/2023, trên địa bàn TP. Hà Nội đã có 97.589 phương tiện kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu giám sát hành trình.

Hàng chục nghìn ôtô không truyền dữ liệu giám sát hành trình. Ảnh minh họa

Hàng chục nghìn ôtô không truyền dữ liệu giám sát hành trình. Ảnh minh họa

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong danh sách vi phạm tháng 7/2023, có rất nhiều phương tiện không truyền dữ liệu liên tục trong 31 ngày, và có những doanh nghiệp có đến hàng trăm phương tiện vi phạm.

Các trường hợp vi phạm được phát hiện thông qua kết quả khai thác các vi phạm trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, Hợp tác xã (HTX) Giao thông Vận tải Toàn Cầu có 93 phương tiện vi phạm, chi nhánh Công ty liên doanh quốc tế ABC có 165 phương tiện vi phạm, chi nhánh Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu Việt Anh có 45 phương tiện vi phạm, chi nhánh Hà Nội - HTX Vận tải Thành Đô có 46 phương tiện vi phạm, chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát có 15 phương tiện vi phạm.

Đối với các hãng taxi, Công ty CP Ba Sao có 245 phương tiện không truyền dữ liệu giám sát hành trình.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long, cơ quan này đã có văn bản đề nghị công an các tỉnh, thành phố căn cứ kết quả khai thác của Sở GTVT Hà Nội, chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với đơn vị vận tải, phương tiện có vi phạm.

Đồng thời, giao Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xử phạt nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện truyền dữ liệu.

Cùng với đó, giao Phòng Quản lý vận tải tổng hợp vi phạm về tốc độ và các vi phạm khác từ dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, kịp thời tham mưu quyết định về thu hồi biển hiệu, phù hiệu và đề xuất xử lý đối với các trường hợp khác được phát hiện theo quy định.

Cầu Tà Năng 2 bị sập lần 2 đã được khắc phục

Cả 2 lần cầu Tà Năng 2 (tỉnh Lâm Đồng) bị sập đều do xe chở quá tải, những doanh nghiệp gây thiệt hại phải chịu kinh phí sửa chữa.

Cầu Tà Năng 2 đã hoàn thành thông tuyến ĐT729.

Cầu Tà Năng 2 đã hoàn thành thông tuyến ĐT729.

Sáng 7/9, đại diện Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết, cầu Tà Năng 2 đã sửa chữa xong.

Sau 2 ngày xảy ra sự cố, ngày 28/8, Sở GTVT chỉ đạo ban quản lý bảo trì đường bộ và bên gây ra sập cầu Tà Năng 2 là Công ty TNHH Triệu Khánh đã thuê Công ty TNHH Cầu thép Thanh Tùng khắc phục, sửa chữa.

Theo đó, cầu được thay mới 4 khung panel, kích thước 3,048 m x 1,54 m. 3 thanh đà ngang, kích thước I250, dài 6,0 m; thay 2 trụ âm kích thước U100, dài 1,6 m.

Ngoài ra, đơn vị thi công còn sửa chữa 4 khung panel, kích thước 3,048 m x 1,54 m; 6 thanh đà ngang, kích thước I250, dài 6,0 m, sửa 1 trụ dương.

Ngoài các khối lượng trên, bên gây ra sự cố làm sập cầu Tà Năng 2 tự nguyện khắc phục bổ sung thêm để đảm bảo an toàn cho việc thử tải phục vụ công tác nghiệm thu và cầu lưu thông đúng tải trọng.

Sở GTVT đã chỉ đạo thử tải bằng cách cho xe tải có tải trọng 31 tấn lưu thông qua cầu. Trong quá trình xe tải lưu thông qua cầu để thử tải, các thành viên quan sát bằng mắt thường đánh giá độ rung lắc không lớn và đảm bảo cho xe lưu thông qua cầu với tải trọng cho phép là 10 tấn.

Chuyên đề