Bản tin thời sự sáng 3/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng về sát 21.000 đồng một lít; thanh tra yêu cầu dự án bô xít Tây Nguyên khai thác đúng thiết kế; sẽ tháo dỡ 79 biệt thự xây trái phép ở Phú Quốc; Hà Giang đề xuất đưa sân bay Tân Quang vào quy hoạch…

Giá xăng về sát 21.000 đồng một lít

Mỗi lít xăng giảm 1.050 - 1.140 đồng, dầu hạ 330 - 760 đồng, đưa giá xăng RON 95-III về gần 21.000 đồng một lít, ngang hồi giữa năm 2021.

Mỗi lít xăng giảm 1.050-1.140 đồng, dầu hạ 330-760 đồng

Mỗi lít xăng giảm 1.050-1.140 đồng, dầu hạ 330-760 đồng

Sau điều chỉnh của Liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 3/10, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 21.440 đồng và E5 RON 92 là 20.730 đồng.

Giá xăng RON 95-III trong nước có kỳ giảm lần thứ chín trong 2,5 tháng qua, về ngang ngưỡng của tháng 8/2021.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Mỗi lít dầu diesel hạ thêm 330 đồng, về 22.200 đồng. Dầu hoả giảm 760 đồng, về mức 21.680 đồng một lít. Còn dầu mazut cũng giảm thêm 560 đồng, còn 14.090 đồng một kg.

Do mức giảm ít hơn nên sau lần điều chỉnh này, giá dầu diesel lại cao hơn giá xăng RON 95-III là 760 đồng một lít. Mức giá hiện tại tương đương hồi tháng 3 - thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Ở kỳ điều hành ngày 3/10, Liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng, dầu. Thay vào đó, nhà điều hành tăng mức trích lập vào Quỹ với xăng RON 95-III từ 450 đồng lên 600 đồng một lít, nhưng giữ nguyên mức trích lập 451 đồng mỗi lít xăng E5 RON 92.

Các mức trích lập vào Quỹ bình ổn giá của dầu hoả, dầu diesel và mazut vẫn giữ nguyên như kỳ điều hành ngày 21/9, ở mức 300 đồng một lít với dầu hoả, diesel và 741 đồng một kg dầu mazut.

Thanh tra yêu cầu dự án bô xít Tây Nguyên khai thác đúng thiết kế

Sản lượng quặng nguyên khai và quặng tinh thu được của Nhôm Lâm Đồng thấp hơn công suất cho phép, nên Thanh tra Bộ Công Thương yêu cầu giữ đúng thiết kế.

Một góc dự án bô xít Tây Nguyên

Một góc dự án bô xít Tây Nguyên

Theo giấy phép khai thác cấp năm 2010, TKV được khai thác mỏ bô xít tại khu Tây Tân Rai (Lâm Đồng) bằng phương pháp khai thác lộ thiên để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy alumin 650.000 tấn một năm, công suất khai thác hơn 4,31 triệu tấn quặng nguyên khai một năm.

Nhưng theo kết luận thanh tra Bộ Công Thương tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV vừa hoàn tất, sản lượng quặng nguyên khai vào tuyển và quặng tinh thu được đều thấp hơn công suất cho phép.

Trong khi đó, sản lượng alumin, chế biến hydrat trong 2 năm (2019 - 2020) cao hơn kế hoạch và thiết kế được duyệt. Năm 2019, sản lượng alumin đạt 686.089 tấn, năm 2020 là 706.266 tấn, cao hơn công suất cho phép 6 - 9%.

Doanh nghiệp cũng chưa tuân thủ việc khai thác khoáng sản theo kế hoạch. Theo giải trình Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV, quá trình sản xuất doanh nghiệp đã sử dụng kỹ thuật để tăng tỷ lệ thu hoạch thực tế cao hơn thiết kế khoảng 10%. Vì thế, tiêu hao quặng nguyên khai trên mỗi tấn quặng tinh giảm so với thiết kế. Bình quân 2019 - 2020 là 2,09 tấn quặng nguyên khai trên một tấn quặng tinh so với thiết kế là 2,31 tấn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng áp dụng biện pháp kỹ thuật trong khai thác để trung hòa, đảm bảo ổn định chất lượng quặng. Hàm lượng alumin trung bình trong quặng tinh năm 2019 - 2020 là 48,27%, cao hơn thiết kế là 47,11%.

Tuy vậy, Thanh tra Bộ Công Thương vẫn đề nghị doanh nghiệp tuân thủ nghiêm việc thực hiện trình tự khai thác theo đúng thiết kế, bản vẽ thi công khai thác mỏ, cũng như khắc phục tồn tại trong khai thác khoáng sản.

Hai dự án bô xít Tây Nguyên, gồm dự án bô xít nhôm Lâm Đồng (Alumin Tân Rai) và nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đăk Nông), có công suất thiết kế mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm, tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.

Sẽ tháo dỡ 79 biệt thự xây trái phép ở Phú Quốc

Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp với TP. Phú Quốc lập thủ tục tháo dỡ toàn bộ 79 căn biệt thự xây trái phép trên đất công.

Các biệt thự đều có hệ thống đường nội bộ, hệ thống nước, điện khá hoàn chỉnh.

Các biệt thự đều có hệ thống đường nội bộ, hệ thống nước, điện khá hoàn chỉnh.

Ngày 3/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, địa phương đang thực hiện các bước xử phạt hành chính, yêu cầu hoàn trả hiện trạng ban đầu đối với chủ đầu tư của 79 căn biệt thự trái phép ở Phú Quốc. Trường hợp các cá nhân vi phạm không chấp hành, nhà chức trách sẽ cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định.

Động thái trên được đưa ra vì đã quá thời hạn cuối (ngày 30/9) để chủ nhân các căn biệt thự xây trái phép cung cấp thông tin xác minh nguồn gốc đất, cung cấp hồ sơ mua bán, xây dựng. Tuy nhiên, vẫn không có người nào tới gặp chính quyền địa phương để giải quyết.

Số biệt thự này xuất hiện từ 4 năm trước khi Phú Quốc phát triển nóng, giá đất tăng cao. Nhiều người tự ý bao chiếm đất công, xây trái phép, đặc biệt ở giai đoạn Covid-19 bùng phát. Mỗi căn được xây dựng trên diện tích từ 200 - 350 m2. Khi phát hiện, chính quyền địa phương nhiều lần mời người vi phạm lên làm việc song họ phớt lờ, đóng cửa biệt thự hàng tháng liền.

Về trách nhiệm địa phương và đơn vị liên quan, lãnh đạo Kiên Giang cho biết, UBND Tỉnh sẽ xem xét sau khi thu hồi đất.

Hơn ba tháng trước, UBND tỉnh Kiên Giang lập tổ công tác đặc biệt nhằm xử lý tình trạng bao chiếm đất công, đất rừng gây bức xúc trong thời gian dài. Kết quả tổ này đã kiểm tra, xử lý, thu hồi gần 140 ha đất rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp bao chiếm trái phép.

Ngoài ra, tại khu bảo tồn biển Phú Quốc rộng hơn 40.000 ha, cơ quan chức năng phát hiện yêu cầu tháo dỡ khoảng 40 công trình lấn chiếm, xây kè, cầu tàu, quầy bar, bungalow không phép,...

950 tỷ đồng nâng cấp đường nối Đồng Tháp - Cần Thơ

Tuyến đường Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài gần 29 km đi qua Đồng Tháp, Cần Thơ sẽ được nâng cấp với kinh phí 950 tỷ đồng để tăng khả năng khai thác.

Vị trí tuyến đường nối Đồng Tháp - Cần Thơ sắp được nâng cấp

Vị trí tuyến đường nối Đồng Tháp - Cần Thơ sắp được nâng cấp

Dự án nâng cấp tuyến đường nối Đồng Tháp - Cần Thơ vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2025. Trong đó, kinh phí xây dựng, thiết bị khoảng 767 tỷ đồng, còn lại là phần giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, dự phòng...

Điểm đầu công trình tại nút giao An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối nối cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thuộc địa phận TP. Cần Thơ.

Trục Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đi qua qua Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ, đoạn từ Lộ Tẻ đến Rạch Sỏi dài 51 km, nối Cần Thơ qua Kiên Giang 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h được thông xe đầu năm 2021. Đoạn này đang được theo dõi, chờ ổn định độ lún để nâng cấp đạt tiêu chuẩn cao tốc.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đầu tư thành cao tốc, quy mô 6 làn xe. Trục đường này kết nối tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An), được đầu tư thời gian tới tạo thành cao tốc trục dọc phía Tây nối TP.HCM về các Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề xuất gia hạn dự án bãi xe ngầm nghìn tỷ ở TP.HCM

Nhà đầu tư bãi xe ngầm công viên Lê Văn Tám, Quận 1 (TP.HCM), tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng, muốn gia hạn thêm 24 tháng để tìm đối tác thực hiện, sau ba năm Dự án bị "khai tử".

Phối cảnh bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám

Phối cảnh bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám

Đề xuất trên vừa được Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm - IUS (nhà đầu tư) gửi Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM cùng các bộ, ngành liên quan. Trước đó, tháng 8/2019, chính quyền Thành phố đã giao các sở, ngành thực hiện thủ tục để chấm dứt hợp đồng BOT và thu hồi Dự án.

IUS cho rằng, theo quy định, việc thu hồi chủ trương đầu tư do Thủ tướng quyết định, trong khi thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp này kiến nghị TP.HCM xem xét cho gia hạn thời gian thực hiện bãi đậu xe ngầm thêm hai năm.

Nhà đầu tư cũng đề xuất Thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong tổng số tiền vay cho các dự án bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn trong 30 tháng xây dựng và 3% lãi vay mỗi năm trong 10 năm, từ khi khai thác dự án. Việc này nhằm tăng khả thi về tài chính, vì các dự án bãi xe ngầm mang tính phục vụ cộng đồng, chậm thu hồi vốn.

Dự án bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng diện tích 11.000 m2 với 4 tầng ngầm, gồm hai khu thương mại và khu đậu xe, sức chứa hơn 2.000 xe máy, gần 1.300 ô tô. Năm 2010, công trình được động thổ nhưng sau đó "án binh bất động" suốt nhiều năm.

Hà Giang đề xuất đưa sân bay Tân Quang vào quy hoạch

UBND tỉnh Hà Giang lần thứ hai đề xuất đưa sân bay Tân Quang vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Hà Giang đề xuất đưa sân bay Tân Quang vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Hà Giang đề xuất đưa sân bay Tân Quang vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Theo đề xuất của tỉnh Hà Giang vừa gửi Bộ Giao thông vận tải, vị trí sân bay dự kiến đặt tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang. Đây là sân bay quân sự cấp II và cấp 4C, dùng chung dân dụng và quân sự, diện tích đất khoảng 388 ha.

Nếu được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh Hà Giang sẽ xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng trước năm 2030. Lãnh đạo Tỉnh cho biết đã chuẩn bị quỹ đất, bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng.

Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, có đường biên giới dài hơn 277 km tiếp giáp Trung Quốc. Tỉnh đang có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, du lịch, kinh tế cửa khẩu, trong đó có công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Hiện Hà Giang chỉ có đường bộ kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh. Từ trung tâm tỉnh lỵ đến sân bay gần nhất là Nội Bài khoảng 260 km.

Đầu năm 2021, tỉnh Hà Giang từng đề xuất quy hoạch cảng hàng không Hà Giang tại xã Tân Quang. Tuy nhiên, trong dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chưa đề xuất quy hoạch sân bay này.

Xử lý các vi phạm đi vào làn dừng xe khẩn cấp trên Vành đai 3

Sau 2 tuần thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3, cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý 48 trường hợp vi phạm.

Lực lượng CSGT sử dụng xe đặc chủng tiến hành ghi hình các ô tô vi phạm để làm căn cứ xử phạt nguội trên tuyến đường Vành đai 3.

Lực lượng CSGT sử dụng xe đặc chủng tiến hành ghi hình các ô tô vi phạm để làm căn cứ xử phạt nguội trên tuyến đường Vành đai 3.

Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau 2 tuần thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 48 trường hợp vi phạm trên tuyến.

Từ ngày 20/9 đến ngày 28/9 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội sử dụng xe mô tô tuần tra lưu động khép kín tuyến, địa bàn, thực hiện các nhiệm vụ trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3.

Qua đó, phát hiện, ghi hình 48 trường hợp vi phạm với các lỗi đi vào làn dừng xe khẩn cấp: 44 trường hợp; dừng đỗ không đúng nơi quy định: 4 trường hợp.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã hỗ trợ giải quyết 43 trường hợp phương tiện bị hư hỏng, gặp sự cố trên tuyến và phối hợp các đơn vị quản lý địa bàn xử lý, giải quyết 8 vụ tai nạn, va chạm giao thông, yêu cầu cẩu, kéo, cứu hộ kịp thời, không để ùn tắc cục bộ, kéo dài.

Tuyến đường Vành đai 3 dài khoảng 65 km, đi qua 9 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Đây là tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào cuối tuần, nghỉ lễ, Tết và khung giờ cao điểm hàng ngày…

Chuyên đề