Bản tin thời sự sáng 21/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 22/9, Việt Nam đã 20 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19; bà Lê Thị Thuỷ tái cử Bí thư Hà Nam; Việt Nam đặt mua vaccine Covid-19 của ba nước; Việt Nam - Thái Lan là đường bay thứ 7 được đồng ý mở; buộc tái xuất 1.100 container phế liệu nhập về từ năm 2018…

Sáng 22/9, Việt Nam đã 20 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Sáng ngày 22/9, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới Covid-19. Đến nay cũng đã 20 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Sáng 22/9, Việt Nam đã 20 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Sáng 22/9, Việt Nam đã 20 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Tính đến 6h ngày 22/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 21/9 đến 6h ngày 22/9 không có ca mắc mới.

Đây là ngày thứ 20 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam vẫn ghi nhận 1.068 trường hợp mắc Covid-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 23.725 người. Trong đó, 384 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.808 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 8.533 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 947 bệnh nhân Covid-19/1.068 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 15 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 19 ca. Đến nay Việt Nam số ca tử vong là 35 ca.

Bà Lê Thị Thủy tái cử Bí thư Hà Nam

Bà Lê Thị Thủy tái cử Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, chiều 21/9.

Bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam

Bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam

Ông Trương Quốc Huy, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX, Bí thư Thị ủy Duy Tiên và bà Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên khóa XIX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hội nghị cũng đã bầu 8 người vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ông Lê Hồng Quân, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiếp tục được bầu giữ chức vụ này tron nhiệm kỳ mới.

Đại hội đã bầu 48 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trước đó, vào ngày 21/7/2020, Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ của Bộ Chính trị. Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Việt Nam đặt mua vaccine Covid-19 của ba nước

Bộ Y tế đặt mua vaccine Covid-19 của Nga, Anh, Mỹ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Chuột thí nghiệm tiêm thử dự tuyển vaccine Covid-19 của Việt Nam tại Vabiotech

Chuột thí nghiệm tiêm thử dự tuyển vaccine Covid-19 của Việt Nam tại Vabiotech

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để mua và sản xuất vaccine Covid-19. Việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.

Việt Nam có bốn đơn vị đang nghiên cứu vaccine Covid-19 gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen. Ông Thuấn đánh giá các đơn vị này đang có "triển vọng rất tích cực". Quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian. Dự kiến cuối năm 2021 ra mắt sản phẩm.

Bộ Y tế đánh giá sản xuất vaccine đang là ưu tiên của tất cả quốc gia, với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế Covid-19 và đưa cuộc sống trở về bình thường. Nếu không có vaccine thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu.

Việt Nam - Thái Lan là đường bay thứ 7 được đồng ý mở

Thủ tướng đồng ý chủ trương mở lại đường bay tới Thái Lan và tăng tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế.

Chặng Việt Nam - Thái Lan là đường bay thứ 7 được đồng ý mở trong những ngày cuối tháng 9

Chặng Việt Nam - Thái Lan là đường bay thứ 7 được đồng ý mở trong những ngày cuối tháng 9

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chống Covid-19, nêu chỉ đạo trên.

Chặng Việt Nam - Thái Lan là đường bay thứ 7 được đồng ý mở trong những ngày cuối tháng 9.

Trước đó, Chính phủ cho phép mở lại 6 đường bay quốc tế gồm: Việt Nam - Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc); Việt Nam - Nhật Bản; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam - Campuchia; Việt Nam - Lào.

Tuy nhiên, mỗi đường bay tần suất không quá hai chuyến một tuần cho mỗi bên và đối tác. Số lượng chuyến bay được xem xét tăng thêm phù hợp với thực tế.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc test Realtime PCR sẽ được thực hiện tại các điểm cách ly. Các đơn vị khi nhận chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh để làm việc phải tổ chức đưa đón, cách ly, giám sát y tế. Khách sạn, cơ sở lưu trú nhận cách ly người nhập cảnh có trách nhiệm đưa đón từ sân bay về địa điểm lưu trú.

Các đại sứ quán sẽ tổng hợp danh sách lao động phổ thông, thời vụ bị kẹt ở các nước, đề xuất phương án phù hợp đón về nước.

Buộc tái xuất 1.100 container phế liệu nhập về từ năm 2018

Cơ quan hải quan yêu cầu tái xuất 1.099 container phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng, tồn đọng ở cảng Cát Lái từ năm 2018 để tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Cảng Cát Lái, TP.HCM

Cảng Cát Lái, TP.HCM

Ngày 21/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (thuộc Cục Hải quan TP.HCM) cho biết cơ quan này vừa gửi công văn yêu cầu 30 hãng tàu tái xuất 1.099 container phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng, tồn đọng ở cảng Cát Lái (TP.HCM) từ năm 2018.

Được biết, số container phế liệu trên được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng về Việt Nam không có người nhận. Qua giám định, các lô hàng này đều không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nên buộc phải tái xuất để tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, các hãng tàu buộc phải tái xuất số hàng tồn nói trên trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo. Mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc tái xuất đều do hãng tàu chịu trách nhiệm.

Cục Hải quan TP.HCM cho biết từ năm 2019 đến nay, xuất hiện tình trạng hàng nghìn container (với 70% là hàng phế thải) để tồn đọng, lưu kho tại các bãi cảng quá thời hạn (hơn 90 ngày), sau giám định kết luận không đủ điều kiện nhập khẩu, buộc phải xử lý theo quy định. Tính đến cuối tháng 4, thống kê sơ bộ tại một số cảng tại TP.HCM cho thấy số lượng tồn đọng là hơn 2.000 container phế liệu, trong đó khoảng 70% là rác phế liệu.

Đến nay, ngoài gần 1.100 container phế liệu đang tồn đọng buộc phải tái xuất, còn có 364 container thuộc diện khóa trọng điểm, 411 container đủ điều kiện chờ giám định và 138 container đang thực hiện mở tờ khai.

Hà Nội: Phát hiện hơn 10.000 chai sữa chua không rõ nguồn gốc

Một kho tập kết hàng hóa với hàng nghìn chai sữa chua do nước ngoài sản xuất không rõ chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy tờ vừa bị lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện, xử lý.

Lực lượng chức năng phát hiện kho hàng chứa số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc

Lực lượng chức năng phát hiện kho hàng chứa số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc

Chiểu tối 21/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra kho hàng tại xã La Phù, huyện Hoài Đức. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn chai sữa chua do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu vi phạm, không đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Bước đầu làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng là Nguyễn Công Chung (SN 1987, trú xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Qua kiểm đếm sơ bộ, xác định số hàng hóa khoảng hơn 10.000 chai. Toàn bộ số lượng sữa chua do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không có kiểm định chất lượng về sản phẩm.

Chuyên đề