Bản tin thời sự sáng 21/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sạt lở ở Lâm Đồng, hai người bị vùi lấp; Hà Nội mở rộng trông giữ xe không dùng tiền mặt; chìm ca nô chở 20 hành khách ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam); TP.HCM khởi công nhà máy đốt rác phát điện 6.400 tỷ đồng…

Sạt lở ở Lâm Đồng, hai người bị vùi lấp

Đất đá trên đồi bất ngờ tràn xuống vùi lấp nhà dân cạnh Quốc lộ 27 đoạn qua xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông khiến một nạn nhân tử vong, một người bị thương, chiều 20/7.

Người dân cùng lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm nạn nhân

Người dân cùng lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm nạn nhân

Khoảng 16h ngày 20/7, lượng đất đá lớn từ trên đồi đổ xuống vùi lấp nhà của ông Nguyễn Quang Long, thôn Trung Tâm, xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông. Sau đó, hàng trăm mét khối đất đá tràn ra mặt đường chia cắt tuyến quốc lộ. Khu vực này nằm ngay cạnh vị trí sạt lở làm một người tử vong cách đây 5 ngày.

Người dân lân cận đã phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm các nạn nhân. Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng (thuộc Quân khu 7) đóng gần khu vực bị sạt lở đã huy động hơn 40 cán bộ, chiến sĩ đến trực tiếp tham gia cứu hộ.

Ông Trương Hữu Đồng, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, bước đầu, lực lượng cứu hộ đã đưa được hai người ra khỏi khu vực sạt lở. Tuy nhiên, anh Nguyễn Quang Duyệt, 36 tuổi đã tử vong. Hiện, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn vẫn đang xảy ra mưa lớn, đất bị ngậm nước lâu ngày trở nên sình lầy.

Cũng theo lãnh đạo huyện Đam Rông, sau khi xảy ra sạt lở hôm 15/7, địa phương đã cắm bảng cảnh báo, căng dây, lập biên bản buộc di dời đối với các hộ dân trong khu vực. "Các hộ đã di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm nhưng chiều nay lại quay trở lại căn nhà thì xảy ra vụ việc", ông Đồng cho biết.

Tình trạng sạt lở đất thường xuyên xảy ra tại Lâm Đồng vào mùa mưa, nhất là vùng đồi núi. Năm ngoái, hàng chục vụ sạt lở tại địa phương này đã làm 5 người tử vong, nhiều người bị thương.

Hà Nội mở rộng trông giữ xe không dùng tiền mặt

Hà Nội vừa triển khai thành công dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt sau hơn 2 tháng.

Một điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt tại Hà Nội

Một điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt tại Hà Nội

Theo lộ trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đã xác định nguyên tắc thực hiện khi triển khai mô hình trông giữ xe không dùng tiền mặt với yêu cầu thanh toán không dừng, thanh toán không tiền mặt và có hóa đơn điện tử.

Sau thời gian triển khai thí điểm tại Hà Nội, dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt đã tăng chất lượng dịch vụ, tăng tính minh bạch công khai, tăng niềm tin của người dân, giảm thời gian, thủ tục hành chính và chi phí.

Đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có gần 100 điểm ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt. Thông qua Dịch vụ thu phí không dừng (VETC), đã ghi nhận gần 100.000 lượt giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 1,5 tỷ đồng và tỷ lệ thanh toán qua ví VETC và mã QR đạt 100%. Theo ông Trần Ngọc Kiên - Giám đốc Dự án trông giữ xe không dùng tiền mặt của VETC, chỉ với các điểm trông giữ triển khai thí điểm ban đầu đã ước tính giảm 10,2 tỷ đồng/năm cho người dân, 4,2 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Với dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt, người dùng có thể dễ dàng thanh toán phí gửi xe bằng điện thoại thông minh, không cần chuẩn bị tiền mặt hay thẻ. Hệ thống ứng dụng công nghệ RFID hiện đại, có thể tự động ghi nhận biển số xe và thanh toán phí qua thẻ Etag gắn trên phương tiện hoặc ví điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho cả chủ xe và hạn chế thất thoát doanh thu cho bãi xe.

Trước kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 17/4/2024 của UBND TP. Hà Nội về ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp Công an TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể quy hoạch điểm, bãi trông giữ xe, qua đó hoàn thành đánh giá tình hình cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí trên địa bàn Thành phố trong tháng 8/2024.

Chìm ca nô chở 20 hành khách ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

Do va vào đá ngầm, chiều 20/7, ca nô chở 20 hành khách đi lặn ngắm san hô bị chìm trên biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), tất cả khách được cứu hộ kịp thời.

Ca nô bị chìm trên biển sau tai nạn

Ca nô bị chìm trên biển sau tai nạn

Hơn 13h ngày 20/7, anh Lê Tiến Lên lái ca nô chở khách đi lặn ngắm san hô ở khu vực Hòn Tai, đảo Cù Lao Chàm. Tổ lái còn có ông Trương Minh Dũng, làm thuyền phó và thủy thủ Nguyễn Long. Trên đường đi, ca nô va vào đá, bị thủng, nước tràn vào gây chìm.

Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã huy động cán bộ, chiến sĩ dùng ca nô cùng các phương tiện gần đó tham gia cứu hộ. "Gần 14h, tổ lái 3 người và 20 hành khách được đưa vào bờ an toàn", Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn nói.

Ca nô gặp nạn thuộc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Dũng Hiếu ở phường Cửa Đại, TP. Hội An, được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện ngày 25/4/2019, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật ngày 24/1/2024.

Cơ quan chức năng đang phối hợp trục vớt ca nô và điều tra nguyên nhân sự cố.

Trước đó, ngày 26/2/2022 từng xảy ra sự việc tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người đi từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại, TP. Hội An bị lật khi cách bờ khoảng 3 km làm 17 người chết.

TP.HCM khởi công nhà máy đốt rác phát điện 6.400 tỷ đồng

Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa được đầu tư giai đoạn một với tổng vốn 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác 2.000 - 2.600 tấn, phát điện 60 MW/ngày giúp giảm ô nhiễm ở TP.HCM.

Phối cảnh Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Củ Chi, TP.HCM

Phối cảnh Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Củ Chi, TP.HCM

Nhà máy được xây tại huyện Củ Chi, khởi công ngày 20/7, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Công trình do Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy làm chủ đầu tư sau khi mua lại Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa - chủ dự án trước đây.

Giai đoạn đầu, công trình gồm một tổ hợp các hạng mục như: lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, khu vực nhà ăn, nghỉ của nhân viên... Nhà máy áp dụng công nghệ được đánh giá hiện đại, rác sau khi đốt sẽ giảm phần lớn thể tích và khối lượng. Nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt sẽ trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác cũng có thể sản xuất làm vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, Chủ đầu tư cho biết, lượng nước thải phát sinh trong quá trình Nhà máy vận hành sẽ được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc phía trong. Khí thải và tro tàn sản sinh trong quá trình đốt rác cũng được xử lý, không gây mùi hôi, ô nhiễm không khí.

Trong các giai đoạn sau, Nhà máy lần lượt nâng công suất đốt rác lên 6.000 và 8.600 tấn mỗi ngày, tương ứng với mức phát điện 130 và 200 MW.

Hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh 9.800 tấn rác thải sinh hoạt, cao điểm lễ, Tết con số này lên đến 11.000 tấn. Trong đó, phần lớn rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đến năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt thông qua công nghệ đốt rác phát điện đạt ít nhất 80% và tăng lên 100% vào năm 2030.

Bình Dương có thêm khu đô thị gần 14.000 tỷ đồng

Khu đô thị Đông An Tây ở TP. Bến Cát có quy mô gần 300 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 14.000 tỷ đồng, vừa được tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu đô thị Đông An Tây có diện tích 300 ha tại TP. Bến Cát (tỉnh Bình Dương)

Khu đô thị Đông An Tây có diện tích 300 ha tại TP. Bến Cát (tỉnh Bình Dương)

Theo quyết định, Dự án nằm tại phường An Tây và xã Phú An, TP. Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Vốn đầu tư dự kiến gần 14.000 tỷ đồng, gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 3.600 tỷ đồng. Địa phương yêu cầu nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Dự án có tổng diện tích đất sử dụng gần 300 ha, gồm cả 8,4 ha diện tích mặt nước. Hiện trạng khu vực quy hoạch Dự án có gần 270 ha đất nông nghiệp và 22 ha đất phi nông nghiệp.

Khu đô thị dự kiến cung cấp khoảng 7.100 sản phẩm, gồm các khu nhà ở thương mại (liền kề cao 5 tầng, biệt thự 3 tầng), nhà ở tái định cư cao 5 tầng và nhà xã hội cao 3 tầng. Ngoài ra, Dự án còn có các công trình thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế... Quy mô dân số khoảng 14.300 người.

Khu đô thị Đông An Tây có tiến độ xây dựng không quá 12 năm kể từ khi chấp thuận nhà đầu tư. Trong 3 năm đầu, nhà đầu tư cần hoàn thành thủ tục pháp lý về đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư, nhà ở xã hội. 7 năm tiếp theo, Dự án sẽ được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật toàn khu, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, một phần nhà ở thương mại, công trình thương mại dịch vụ, thương mại liền kề. Sau đó, Dự án tiếp tục hoàn thành trong 2 năm còn lại.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cũng tìm nhà đầu tư Khu đô thị Bắc An Tây với quy mô khoảng 70 ha, Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, quy mô dân số dự kiến khoảng 10.000 người. Nguồn cung dự kiến gần 3.100 căn gồm chung cư, nhà liền kề, nhà ở xã hội và tái định cư.

TP. Bến Cát cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, rộng khoảng 234 km2, dân số gần 364.600 người. Đầu tháng 5/2024, địa phương này trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương, mang đến nhiều tiềm năng phát triển thị trường bất động sản.

Trừ lương công nhân vì mất hàng, doanh nghiệp bị phạt 70 triệu đồng

Công ty Nobland Việt Nam ở Quận 12, TP.HCM trừ lương công nhân vì mất 3.000 áo thun, quyết định này bị UBND TP.HCM phạt 70 triệu đồng do làm sai quy định.

Công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam trong giờ sản xuất

Công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam trong giờ sản xuất

Theo quyết định xử phạt do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy vừa ký, Công ty TNHH Nobland Việt Nam bị phạt 70 triệu đồng vì trừ tiền lương của lao động không đúng quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp này bị phạt thêm 100 triệu đồng vì huy động công nhân làm thêm vượt quá thời gian quy định.

Công ty TNHH Nobland Việt Nam có 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động trong ngành may mặc, sử dụng 2.700 lao động. Vào kỳ lương tháng 4, với lý do bị mất gần 3.000 áo thun, Công ty đã trừ lương của công nhân ở khâu hoàn thành. Tùy vị trí, công nhân bị trừ thấp nhất gần 64.000 đồng và cao nhất 805.000 đồng.

Vụ việc sau đó bị công nhân phản ứng, bởi doanh nghiệp không xác định được lỗi ở đâu nhưng trừ tiền tất cả lao động ở khâu hoàn thành. Công đoàn Công ty cũng đề nghị thu hồi quyết định để bảo vệ danh dự cho lao động. Tại buổi đối thoại với công nhân Thành phố hôm 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngành chức năng phải làm rõ vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, ngày 7/5, Công ty trừ lương tháng 4 của 111 công nhân với tổng số tiền hơn 29 triệu đồng. Việc trừ tiền này là sai quy định. Hai ngày sau, Công ty đã trả lại số tiền này. Ngoài ra, trong năm 2023, Công ty huy động 119 người làm thêm giờ nhưng vượt quá 300 giờ trong năm là không đúng quy định.

Xuất khẩu trứng cá tăng hơn 84 lần

Với giá xuất khẩu gần nửa triệu đồng một kg, 5 tháng đầu năm, trứng cá có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến gần 84 lần.

Giá trứng cá xuất khẩu bình quân tăng gần 567% so với tháng 5/2023

Giá trứng cá xuất khẩu bình quân tăng gần 567% so với tháng 5/2023

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu trứng cá trong những tháng đầu năm tăng trưởng đột biến.

Tháng 5, doanh nghiệp Việt xuất khẩu khoảng 316 tấn trứng cá thu về 5,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu trứng cá tăng đột biến 6.110% về giá trị.

Nguyên nhân là giá trứng cá xuất khẩu bình quân tăng gần 567% so với tháng cùng kỳ năm 2023, ở mức 16,7 USD/kg (tương đương 417.000 đồng). Đây là mức giá cao nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu của ngành thủy sản đầu năm nay. Hiện, cá hồi có giá cao thứ hai, ở mức 10,3 USD/kg. Trong khi cua, ghẹ đang được bán ra nước ngoài với giá 9 USD/kg.

Tính chung 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 1.336 tấn trứng cá, thu về 22,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu trứng cá tăng 1.362% về lượng và tăng tới 8.395% về giá trị.

Năm ngoái, mặt hàng này xuất khẩu được gần 4.000 tấn các loại, thu về 65,8 triệu USD. Số này giảm khoảng 5,5% về lượng nhưng tăng nhẹ 3,7% về giá trị so với năm 2022.

Cũng theo thống kê của cơ quan hải quan, sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2023, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản đã khởi sắc, ghi nhận mức tăng trưởng dương. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu nhóm hàng này thu về 4,4 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về mặt hàng, hết tháng 5, tôm và cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 53% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt gần 1,18 tỷ USD, cá tra hơn 707 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt 8,1% và 3,6%.

Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh Nguyễn Kim Thoại bị khởi tố

Ông Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh, bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú vì liên quan vụ án giao đất trái quy định tại huyện Gia Bình.

Ông Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh

Ông Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh

Cùng bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở và nơi làm việc với ông Thoại còn có ông Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Xuân Nghi, Nguyễn Quang Kiên.

Bốn người bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, ông Nguyễn Kim Thoại bị UBND tỉnh Bắc Ninh tạm đình chỉ công tác từ ngày 16/7. Ông Nguyễn Kim Thoại từng làm Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Gia Bình.

Đây là diễn biến mới khi Công an Bắc Ninh mở rộng điều tra vụ án vi phạm đất đai xảy ra tại huyện Gia Bình. Đến nay đã có 15 bị can bị khởi tố với cáo buộc từ năm 2009 đến 2018 đã giao đất trái quy định.

Công ty CP Chứng khoán APG bị phạt nửa tỷ đồng, đình chỉ 4 tháng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt Công ty CP Chứng khoán APG hơn 500 triệu đồng vì không báo cáo việc dự kiến giao dịch cổ phiếu DDV của Công ty CP DAP - Vinachem. Ngoài phạt tiền, APG bị đình chỉ giao dịch 4 tháng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố một số quyết định xử phạt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố một số quyết định xử phạt

Cụ thể, cơ quan quản lý xác định, ngày 4/11/2022, Chứng khoán APG đã bán hơn 1 triệu cổ phiếu DDV, và ngày 7/11/2022 tiếp tục bán 216 nghìn cổ phiếu DDV nhưng không báo cáo việc dự kiến giao dịch với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trong khi đó, Chứng khoán APG là tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Hồ Hưng, thành viên Hội đồng quản trị DDV. Tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 12,5 tỷ đồng theo mệnh giá.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng hình thức xử phạt bổ sung với Chứng khoán APG, đình chỉ giao dịch 4 tháng.

Doanh nghiệp khác vừa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (mã VNE), với tổng số tiền 190 triệu đồng. Trong đó, 125 triệu đồng là tiền phạt do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan.

Cụ thể, VNE đã ký hợp đồng thi công đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật phần nhà máy thuộc Dự án Xây dựng Nhà máy Phong điện Phước Thể - Bình Thuận với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ đầu tư và Phát triển năng lượng sạch Phước Thể (AGECO) - bên có liên quan của ông Nguyễn Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị VNE), bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (thành viên Ban Kiểm soát VNE) nhưng chưa được Đại hội đồng cổ đông, hoặc Hội đồng quản trị Công ty thông qua.

VNE còn bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn với một số báo cáo tài chính trong các năm 2022, 2023; thông tin giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh tại báo cáo tài chính năm 2023 trước và sau kiểm toán.

Cũng vì lỗi công bố thông tin, Công ty CP Dược Lâm Đồng bị phạt 92,5 triệu đồng do không công bố đối với các thông tin, tài liệu sử dụng trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 20/12/2023.

Chuyên đề