Lập 7 Đoàn kiểm tra gỡ khó sản xuất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Các Đoàn công tác kiểm tra tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công sáng 16/7/2020 |
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. Thời gian kiểm tra từ ngày 18/7/2020 đến ngày 31/8/2020.
Các Đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn.
Cụ thể, Đoàn công tác số 1 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; một số địa phương, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đoàn công tác số 2 do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đoàn công tác số 3 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Đoàn công tác số 4 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn, kiểm tra 2 Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ.
Đoàn công tác số 5 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn, kiểm tra các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo.
Đoàn công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương.
Đoàn công tác số 7 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương.
Hà Giang: Phá dỡ, cải tạo tổ hợp nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama theo thiết kế mới
Các cơ quan chức năng ở Hà Giang đang giám sát việc phá dỡ, cải tạo tổ hợp nhà hàng Mã Pì Lèng để cải tạo theo thiết kế được phê duyệt.
Công trình Panorama Mã Pì Lèng được cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh |
Chiều 18/7, một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang xác nhận, địa phương này đang giám sát việc phá dỡ, cải tạo tổ hợp nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama (trên đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Cụ thể, công trình trên vi phạm Điều 36 Luật Di sản văn hóa khi không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Công viên cao nguyên đá Đồng Văn.
Trước đó, ngày 8/10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang trong báo cáo gửi UBND Tỉnh đã đề xuất cải tạo, chỉnh trang một phần công trình gồm một tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất để phục vụ mục đích ngắm cảnh, toàn bộ 7 tầng giật cấp phía trên nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị tháo dỡ để cải tạo trồng cây xanh.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong văn bản báo cáo Thủ tướng hồi tháng 10 năm ngoái từng khẳng định “không bao che sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực đèo Mã Pì Lèng”.
Sau đó, bản thiết kế phá dỡ, cải tạo đang được áp dụng đối với nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama đã được Ủy ban UNESCO, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các bên có liên quan đồng ý.
Dự kiến sau vài tháng bắt đầu triển khai, việc phá dỡ, cải tạo tổ hợp nhà hàng này sẽ hoàn thành. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch cải tạo nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama buộc phải trì hoãn cho đến thời điểm hiện tại.
"Hiện tại công trình đang được chủ đầu tư phá dỡ và cải tạo theo thiết kế mới được phê duyệt, về cơ bản sẽ cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh", lãnh đạo UBND Hà Giang thông tin.
Hà Nội: Lắp camera theo dõi 24/24 khu vực chấm thi vào lớp 10
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận tại Ban Chấm thi có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội |
Ngày 18/7, các thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập hệ không chuyên của Hà Nội đã kết thúc bài thi cuối cùng.
Theo hướng dẫn tổ chức thi của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn Thành phố thành lập một Ban Chấm thi (trong đó có các ban chấm thi bộ môn hoặc nhóm môn), một Ban làm phách.
Địa điểm đặt Ban Chấm thi phải đảm bảo yêu cầu quy định về an ninh và cơ sở vật chất. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận tại Ban Chấm thi có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày và đảm bảo các điều kiện khác theo đúng Quy chế thi.
Ban Chấm thi được thành lập theo Quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Mọi thành viên làm việc tại Ban từ Trưởng ban chấm thi đến các nhân viên phục vụ đều phải có tên trong Quyết định.
Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ điều động lực lượng thanh tra chấm thi. Ngoài ra, tại mỗi ban chấm thi theo môn hoặc nhóm môn còn có trật tự viên, công an, nhân viên y tế, phục vụ. Trong trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay có sự đăng ký tham gia của gần 89.000 em để cạnh tranh 64.110 suất vào lớp 10 công lập. Để tổ chức kỳ thi, thành phố Hà Nội thành lập 172 điểm thi với hơn 3.700 phòng thi, huy động 12.000 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi và giám sát. Ngoài ra còn có hơn 1.700 người được huy động phục vụ các khâu của kỳ thi./.
Tìm ra thủ phạm xả thải gây ô nhiễm suối Sọ ở Bình Dương
Nguyên nhân khiến nước suối Sọ nổi bọt trắng xuất phát từ một cơ sở phế liệu nằm trên đường Lê Hồng Phong.
Nước suối đổi màu khiến người lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe |
Chiều ngày 18/7, lãnh đạo thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, đã có kết quả xác minh việc nước suối Sọ, đoạn qua phường Tân Bình, thành phố Dĩ An nổi bọt trắng và bốc mùi nồng nặc.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Dĩ An phối hợp với UBND phường Tân Bình tiến hành khảo sát thực tế nhằm xác định nguyên nhân cụ thể.
Qua kiểm tra xác định, nguyên nhân nước suối Sọ nổi bọt trắng xuất phát từ một cơ sở phế liệu không tên nằm trên đường Lê Hồng Phong, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An. Cơ sở này đã dùng nước tẩy rửa các thùng hóa chất rồi đổ xuống cống thoát nước chảy ra suối làm ô nhiễm.
Hà Nội: Hơn 6 nghìn tấn rác được dọn xong sau khi bãi rác Nam Sơn thông xe
4 quận trung tâm và quận Thanh Xuân không còn rác thải tồn đọng. Với các quận: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, dự kiến sẽ thu dọn hết trong ngày 18/7. Các quận: Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ dự kiến dọn xong rác tồn đọng trong ngày 19/7.
Trong ngày 17/7 và tính đến 6h sáng ngày 18/7, các đơn vị vệ sinh đã thu dọn, vận chuyển được 6.143 tấn rác thải |
Ngày 18/7, đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, sau khi bãi rác Nam Sơn thông xe, các xí nghiệp đã huy động tối đa nhân lực ứng trực 24/24 giờ để điều tiết phân luồng, tiếp nhận rác. Đến chiều 17/7, trên các tuyến phố tại 4 quận nội đô đã không còn rác tồn đọng.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong ngày 17/7 và tính đến 6h sáng ngày 18/7, các đơn vị vệ sinh đã thu dọn, vận chuyển được 6.143 tấn rác thải.
Cụ thể, từ 14h ngày 17/7 đến 6h ngày 18/7, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn tiếp nhận 5.204 tấn rác thải.
Ngoài ra, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây) tiếp nhận 709 tấn rác. Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) tiếp nhận 123 tấn rác. Nhà máy xử lý rác thải của Hợp tác xã Thành Công (tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn) tiếp nhận 107 tấn rác thải.
Về thời gian để các quận, huyện thu dọn xong rác tồn đọng trên địa bàn, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mỗi ngày trên địa bàn 12 quận và 5 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh phát sinh khoảng 4.874 tấn rác thải. Vì vậy, bên cạnh thu dọn rác thải tồn đọng trong 4 ngày qua, các đơn vị vệ sinh còn phải thu dọn, vận chuyển rác thải sinh hoạt hằng ngày.
Đến 6h ngày 18/7, số lượng rác tồn đọng tại các quận và 5 huyện kể trên là 9.157 tấn, trong đó, tại nội thành là 5.929 tấn và 5 huyện ngoại thành là 3.227 tấn.
Sau 2022 mới xem xét lập thêm hãng hàng không
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng |
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới. Bộ GTVT chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Dự án), căn cứ kiến nghị của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án.
Trước đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lập hãng mới sau năm 2022, khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Bộ GTVT đã có Công văn số 10376 góp ý với hồ sơ Dự án Đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của CTCP Hàng không Thiên Minh gửi Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Bộ GTVT đánh giá giai đoạn 2014 - 2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo.
Hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 tàu bay nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.
Trên cơ sở các đánh giá, nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới, Bộ GTVT kiến nghị trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).