1.ASEAN 2020: Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 26/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác dự Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 36 bằng hình thức trực tuyến.
Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội nghị lần này sẽ trao đổi về kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN sau dịch bệnh, sớm đưa vào triển khai các sáng kiến về: lập Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn ASEAN trong tình huống y tế khẩn cấp...
Các nước thành viên sẽ tiến hành rà soát công tác đánh giá giữa kỳ thực hiện các Kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cho ý kiến về xây dựng định hướng phát triển tương lai của ASEAN sau 2025, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN với việc đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN.
Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Đó là: Phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số, là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ; Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Thanh niên ASEAN; Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).
Theo chương trình, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tuyên bố Tầm nhìn về ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng và Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay.
2. Quảng Nam: Giám đốc Sở Tài chính xin nghỉ hưu
Việc nghỉ hưu sớm của Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam được ông khẳng định là theo quy định, không liên quan đến việc Thanh tra tỉnh vừa công bố thanh tra hệ thống xét nghiệm Covid-19.
Theo ông Phan Văn Chín, ông xin nghỉ việc là để tạo thuận lợi trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội Đáng bộ Tỉnh ủy khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ theo quy định.
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam - người bị Thanh tra tỉnh đề nghị kiểm điểm vì liên quan tới vi phạm mua máy xét nghiệm - vừa gửi đơn xin nghỉ việc |
“Tôi xin nghỉ việc không liên quan gì đến vụ mua Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động mà Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa công bố kết quả thanh tra vừa qua. Đợt này còn có nhiều cán bộ như tôi xin nghỉ chứ không riêng gì tôi”, ông Phan Văn Chín khẳng định.
Còn ông Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - xác nhận, ông Phan Văn Chín (Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam) cũng như một số cán bộ không đủ tuổi tái cử vào Tỉnh ủy, có đơn xin nghỉ. Đơn của ông Chín là xin nghỉ việc sau đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa 22, nhiệm kỳ 2020-2025 (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2020).
Được biết, ông Phan Văn Chín là một trong 2 giám đốc sở của tỉnh bị Thanh tra Quảng Nam đề nghị kiểm điểm vì liên quan tới vi phạm trong quá trình xây dựng giá, thẩm định giá gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 của Sở Y tế tỉnh này.
Ngày 24/6, Thanh tra Quảng Nam có báo cáo về kết quả thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động theo Quyết định của UBND tỉnh tại Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam.
3. Đề nghị giảm 30% thuế BVMT với nhiên liệu bay hỗ trợ ngành hàng không
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Ngành vận tải hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 |
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định. Tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường so với tổng thu NSNN đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4% (năm 2019 là 4,07%). Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn 2015-2019 là 2.939 tỷ đồng/năm.
Từ tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan ra các quốc gia trên thế giới, đến nay vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành vận tải hàng không do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hiện hành theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường).
Mức thuế này được đề xuất áp dụng đến hết năm 2020, từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579.
4. 343 công dân Việt Nam từ Australia, New Zealand sẽ hồi hương ngày 3/7
Chuyến bay dự kiến khởi hành từ Sydney, ngày 3/7/2020, đưa về nước 343 công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở Australia và New Zealand do Covid-19.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Ngô Hướng Nam ra sân bay Sydney tiễn bà con về nước hôm 1/6. |
Tiếp tục các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, ngày 26/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia thông báo, vào ngày 3/7 tới, 343 công dân Việt Nam tại Australia và New Zealand sẽ được đưa về nước.
Đây là chuyến bay thứ hai đưa người Việt Nam bị mắc kẹt tại Australia và New Zealand vì Covid-19 về nước.
Được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, cùng với các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và Perth, đang phối hợp tích cực và liên tục với các cơ quan chức năng và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam để tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt tại Australia vì Covid-19 về Việt Nam.
Chuyến bay dự kiến khởi hành từ Sydney, ngày 3/7/2020. Số lượng công dân Việt Nam từ Australia về nước dịp này là 343 người. Trong chuyến bay này còn có khoảng 20 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại New Zealand.
Số lượng công dân đăng ký về nước là gần 1.700 người, gấp rất nhiều lần khả năng chuyên chở của chuyến bay. Do đó, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia đã xem xét kỹ lưỡng theo các theo tiêu chí ưu tiên của Chính phủ (đã nêu trong Thông báo số 4) cũng như từng hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của công dân.
5. Sáng 27/6, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua
Tính đến 6 giờ ngày 27/6, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong 12 giờ qua, tổng số mắc giữ nguyên 353 ca; số ca bệnh Covid-19 đang điều trị là 23 ca.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón chuyến bay chở 150 chuyên gia từ Nhật Bản ngày 25/6. |
Tính đến 6 giờ ngày 27/6, đã 72 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 7.846 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 67; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.563; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.216 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong số các ca mắc Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.
Ngày 26/6, Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19 là ca bệnh 353 (BN353): Bệnh nhân nam, 31 tuổi, địa chỉ tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Ngày 24/6/2020, hành khách này từ Cameroon quá cảnh Nigeria, Ethiopia, Malaysia, nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 25/6 trên chuyến bay VN9674.
Sau khi nhập cảnh, người này được cách ly tập trung tại Bệnh viện Quận 7, TP. HCM. Ngày 26/6/2020, bệnh nhân được lấy mẫu, xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.