Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12. Ảnh: VGP
Cụ thể là, về yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Trung ương nhấn mạnh, những năm sắp tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta hơn bao giờ hết, phải thật sự vững vàng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.
Trung ương nhất trí việc xác định tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng và đặc biệt chú trọng một số vấn đề sau: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia, dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả.
Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
Có trí tuệ, tầm nhìn, có trình độ để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương; có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị của mình hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 12. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm sau: Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.
Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị mà mình quản lý.
Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.
Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp.
Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Ảnh: VGP
Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50, từ 50-60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, Trung ương nhất trí cao với Báo cáo của Bộ Chính trị, trong đó có khâu giới thiệu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.
Việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nói chung phải trên cơ sở Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết quả giới thiệu tín nhiệm cao của Trung ương, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; gắn kết chặt chẽ với việc sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội nhiệm kỳ tới.
Tiểu ban Nhân sự Đại hội và Bộ Chính trị cần chỉ đạo chặt chẽ để việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự bảo đảm đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng những chủ trương, biện pháp mà Trung ương đã quyết định.
Đặc biệt, các đồng chí ủy viên Trung ương phải gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, vận động cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch tìm cách phá hoại, gây chia rẽ, gây rối nội bộ ta.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, các trường hợp có đơn, thư tố cáo, khiếu nại hoặc phải xem xét về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống,... thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan kiểm tra, rà soát kỹ, kết luận rõ trước khi Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Việc tổng hợp ý kiến của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị,... phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khách quan, khoa học.