Ảnh Internet |
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19, diễn ra ngày 4/7/2021.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các tỉnh trong tâm dịch lần này, nhất là TP.HCM, các lực lượng tuyến đầu, sự vào cuộc tích cực của Bộ Y tế với nhiều nỗ lực, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là tại TP.HCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.
Tư tưởng chỉ đạo hành động cần được tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm là: càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất và chia sẻ trách nhiệm. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bám sát và căn cứ tình hình cụ thể, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn của Trung ương, TP.HCM và 7 địa phương chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả trong phòng, chống dịch, bảo đảm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là tại cơ sở. Cần kịp thời rút kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là bài học kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, với các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch để trên cơ sở đó giữ vững và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Về phương châm tổ chức triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhất quán, kiên trì phương châm “chống dịch như chống giặc”. Lãnh đạo Thành phố cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để quyết định mức độ ưu tiên trong tổ chức, thực hiện mục tiêu kép. Trong điều kiện hiện nay, phải tập trung ưu tiên cho chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, với các quyết định mạnh hơn khi áp dụng Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên; tuy nhiên, khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết. Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, chặt chẽ hơn kể cả toàn Thành phố; kể cả các giải pháp mạnh như: tiếp tục giãn cách xã hội, phong tỏa rộng, cách ly chặt chẽ, thần tốc xét nghiệm, sàng lọc nhanh chóng F0 để cách ly điều trị, nhất là những nơi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như chợ đầu mối, khu công nghiệp và khu tập trung đông người.
Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các biện pháp truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung; hết sức linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19 để sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Có thể áp dụng cơ chế chịu trách nhiệm tập thể trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch (nếu có vướng mắc về quy định, cơ chế, chính sách...).
Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền đi đối với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân ở từng cấp, từng ngành để chống dịch có hiệu quả hơn. Thực hiện “4 tại chỗ” ở mức cao hơn, để không bị động khi dịch bệnh tăng lên, diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong một tỉnh và ở nhiều tỉnh trong vùng; với phương châm tháo gỡ vướng mắc và điều kiện bảo đảm chống dịch là “3 không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm...; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tích cực tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tinh thần “3 không: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; chỉ đạo ngành dọc chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp tổ chức thực hiện và chủ động điều chỉnh việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và mục tiêu kép một cách hiệu quả…