Vẻ đẹp, sự trang nhã trong phong cách ăn mặc của người Hà Nội được bảo tồn qua năm tháng. Ảnh: Đinh Linh |
Người Hà Nội luôn tự hào với sự vinh danh ấy, đặc biệt là những chàng trai, cô gái của 36 phố phường thuở xưa. Họ mặc đẹp, đó là cái đẹp của sự nền nã, kín đáo chứ không phô trương, lòe loẹt, lại rất thanh lịch. Nét văn hóa đặc trưng này được các thế hệ Hà Nội gìn giữ ngay cả trong thời chiến tranh gian khổ đến những năm bao cấp khó khăn, hay trước cơn lốc ở thời kinh tế thị trường.
Mẹ tôi, một người Hà Nội gốc đã kể rằng, trước năm 1954, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản hễ ra đường, dù chỉ là đi chợ, cũng phải mặc áo dài. Nhiều gia đình buôn bán đông khách thì phụ nữ trong gia đình ở nhà cũng mặc áo dài, còn ngày lễ, tết thì có những thứ áo đẹp và sang trọng hơn. Những người phụ nữ chân lấm tay bùn mặc áo tứ thân mớ ba mớ bẩy... Theo thời gian, trang phục của Hà Nội đã có những biến động đa chiều, nhưng người Hà Nội không bao giờ quên niềm tự hào với truyền thống trang phục của mình, cho dù con cháu họ đã nhanh chóng hòa nhập với thời cuộc bằng các loại váy áo phương Tây trẻ trung và hiện đại.
Sử sách chép rằng, trang phục của người Hà Nội cổ thời kỳ “tiền Thăng Long” không mấy khác biệt so với trang phục của người dân thời Văn Lang - Âu Lạc nói chung: nam mình trần, đóng khố, thân thể, chân tay đều có xăm hình giao long (rồng) và các hình khác; nữ mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực bó sát vào người, phía trong mặc yếm che kín. Hai loại áo này có thể là chui đầu hoặc cài khuy bên trái, trên áo cũng có hoa văn trang trí. Đàn ông đàn bà đều nhuộm răng đen và có tục ăn trầu cho đỏ môi chắc răng.
Đến thời kỳ độc lập tự chủ (kỷ nguyên Đại Việt), do điều kiện ổn định cả về chính trị, xã hội và đặc biệt là về kinh tế, Hà Nội đã trở thành kinh đô và là một trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước. Các cơ sở chăn tằm dệt lụa ra đời, việc bang giao với bên ngoài cũng làm cho thị trường vải vóc phục vụ nhu cầu mặc ngày một phong phú. Trong xã hội đã có sự phân biệt đẳng cấp, trên có vua, quan, dưới có sĩ - nông - công - thương. Cách ăn mặc của người Hà Nội thời kỳ này cũng theo đó mà phân ra các phong cách và kiểu dáng, chất liệu khác nhau.
Vua mặc áo bào vàng, quần tía, búi tóc, cài trâm vàng đội mũ triều thiên. Quan lại từ ngũ phẩm đến cửu phẩm mặc áo bào gấm, từ cửu phẩm trở lên mặc áo bào bằng vóc. Màu sắc của trang phục cũng được phân rõ: quan nhất phẩm màu tía, nhị phẩm màu đại hồng, tam phẩm màu đào hồng. Khi vào triều phục phải đi tất, đi hia và đội mũ phác đầu (mũ cánh chuồn).
Với tầng lớp thứ dân trong kinh thành, nữ thường mặc áo tứ thân cổ tròn, quần thâm, khăn the bóng, thắt lưng lụa, đi giày dép bằng da, cấm không được sử dụng màu vàng và búi tóc như cung nhân. Đàn ông thường cởi trần, hoặc mặc áo tứ thân màu đen bằng the, quần mỏng bằng lụa thâm, đa số cạo trọc đầu.
Sang thời Lê - Mạc, do cơ cấu chính trị trong triều đình có nhiều thay đổi và trở nên phức tạp bởi hệ thống cung vua, phủ chúa nên lối phục sức của tầng lớp quý tộc cũng ít nhiều thay đổi: Vua mặc long cổn, đội mũ tam sơn hay áo hoàng bào mang đai ngọc; Chúa mặc áo bào tía, đội mũ xung thiên mang đai ngọc; Hoàng thái tử (con vua) mặc áo xanh đội mũ dương đường; Vương thế tử (con chúa) mặc áo đỏ đội mũ cánh chuồn dát vàng, bố tử kỳ lân... Học trò và người thường khi có công việc đều mặc áo thâm, dân quê thì mặc áo vải thô màu trứng. Đến cuối thời Lê thì ai cũng mặc áo thanh cát màu thâm, xanh sẫm, màu sừng, màu trắng ít khi dùng.
Cuối thế kỷ XVIII đầu XIX, trang phục của người Hà Nội có nhiều thay đổi cả về chất liệu lẫn kiểu dáng. Những loại vải như the, lĩnh, lượt, là… được sử dụng khá phổ biến với những kiểu dáng chính như tứ thân cho nữ, áo dài cài chéo vạt cho nam. Sang trọng nữa, đàn ông, đàn bà mặc áo dài lụa trắng bên trong, ngoài lồng áo may bằng sa, xuyến hoặc băng (là những loại vải mỏng có độ bóng, đôi khi có hoa). Vương hầu, quan chức thì dùng hàng đoạn, gấm, vóc.
Hà Nội xưa còn có loại áo mặc trong đám cưới, do nhà chủ giàu có may cho tất cả các khách đến ăn cưới. Xong việc, những áo ấy đều được nhuộm lại, đem bán rẻ, gọi là “cố y”. Dân lao động thì chủ yếu dùng áo vải nhuộm nâu, vải mỏng nhuộm nâu non lại là mặt hàng ưa thích của các cô gái bình dân để may áo cánh. Người khá giả cũng dùng màu nâu nhưng là lụa, đũi nhuộm nâu. Thế hệ người già thường thích màu tiết dê, tam giang. Tại phường Đồng Lầm (nay là làng Kim Liên, quận Đống Đa) có nghề nhuộm nâu nổi tiếng.
Màu vàng vẫn bị cấm, chỉ dành riêng cho nhà vua và áo khoác các tượng Thần, Phật. Màu đỏ chủ yếu là dùng trong tầng lớp công, hầu, khanh, tướng. Vóc đỏ hay gấm đỏ tươi còn được gọi là màu đại hồng. Con quan to mới sinh ra cũng mặc áo đỏ. Còn nhà giàu, chỉ khi bố mẹ khao thượng thọ mới được con cháu mừng cho chiếc áo the đỏ. Phường Hàng Đào chuyên làm nhuộm điều. Màu hoa đào bị coi là lẳng lơ, không đứng đắn, thường dùng cho người múa hát.
Ngoài ra, kiểu áo dài 5 khuy, tay rộng cũng được nhiều phụ nữ ở 36 phố phường chấp nhận. Khi mặc, các cô chỉ cài 4 chiếc, để hở khuy cổ, khoe cái yếm cổ xây, ôm lấy cái cổ trắng nõn nà, cao ba ngấn. Phụ nữ nơi phố phường hay dùng yếm trắng. Phụ nữ ngoại thành dùng yếm nâu. Hội hè mặc yếm đào, yếm hoa hiên. Các bà đứng tuổi ưa cổ xẻ, từ cổ yếm có 3 đường khâu xòe ra. Nam giới mặc áo dài 5 thân, vải thâm, có khuy tết bằng chỉ hoặc khuy đồng, khuy bạc, khuy ngọc... Người hào hoa phong nhã thì mặc áo sa trơn, áo trong và quần màu trắng. Mùa rét, dùng áo kép, có thêm lần vải lụa lót màu tươi, áo bông cộc, trần quân cờ. Ngoài trang phục ra thì trong cách ăn mặc của người Hà Nội còn có nhiều thứ phụ trang đi kèm như giày dép, mũ, nón, ô, lại thêm chút đồ trang sức bằng vàng, bạc như vòng, nhẫn, dây, xuyến... để làm tăng vẻ đẹp ngoại hình.
Nhìn lại quá trình lịch sử, trang phục của người dân Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều thay đổi qua từng thời đại. Tuy nhiên, cái vẻ đẹp lịch sự, trang nhã trong phong cách ăn mặc và trong kiểu cách quần áo thì vẫn còn được bảo tồn như là một đặc điểm riêng. Có nhà văn đã nói rằng: “Người Hà Nội trong bộ quần áo cần lao giản dị mà vẫn đượm vẻ phong lưu”. Quả là một nhận định tinh tế.