Bộ Công Thương dự kiến thu về 5 tỷ USD từ thoái vốn Sabeco. |
Sau thời gian dài chờ đợi, phương án thoái vốn của Bộ Công Thương tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) đã được công bố. Với việc chào bán 53,59% cổ phần tại doanh nghiệp này, chỉ tính theo giá khởi điểm thương vụ có thể đem về khoảng 5 tỷ USD - con số kỷ lục trong một lần thoái vốn và tương đương một phần mười dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Tuy nhiên, mức khởi điểm 320.000 đồng cho mỗi cổ phần Sabeco và thị giá tăng liên tục của cổ phiếu này trên sàn chứng khoán đang đặt ra một vấn đề: Liệu ai sẽ chi hàng tỷ USD để sở hữu cổ phần Sabeco, đặc biệt khi định giá P/E (hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) đã vượt con số 50 lần, gấp 3 lần mức trung bình của thị trường?
Còn 20 ngày nữa sẽ đến thời điểm đấu giá cổ phần Sabeco do Bộ Công Thương nắm giữ, tuy nhiên diễn biến cổ phiếu này đang dần trở nên khó đoán.
Dù nhiều công ty chứng khoán liên tục đưa ra cảnh báo về mức định giá đã trở nên "phi lý" của doanh nghiệp bia giữ thị phần cao nhất cả nước, song thị giá cổ phiếu của đơn vị này vẫn chưa có chiều hướng hạ nhiệt. Sau buổi họp báo công bố thông tin tại TP HCM sáng nay, cổ phiếu SAB trên thị trường tiếp tục tăng mạnh. Chốt phiên ngày 29/11, mỗi cổ phiếu SAB được giao dịch ở mức 339.000 đồng, tăng 19.000 đồng so với giá tham chiếu.
Con số này đưa đến 2 kết quả, một mặt nhờ SAB mà VN-Index đã lần đầu tiên vượt mốc 950 điểm, tuy nhiên ở chiều hướng còn lại định giá của Sabeco theo P/E đã vượt mốc 50 lần.
Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) trong báo cáo mới công bố cho rằng mức định giá của Sabeco đang "đắt theo bất kỳ phương pháp định giá nào" và "nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Heineken, Kirin và Thai Bev có vẻ quan tâm nhưng giá bán vẫn là vấn đề".
Với P/E hơn 50 lần, cổ phiếu của Sabeco đang đắt gấp đôi cổ phiếu các công ty bia trong khu vực, với P/E dự phóng 2018 chỉ là 22,5 lần. Bản thân con số này của doanh nghiệp bia giữ thị phần 41% tại Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều so mức định giá 16 lần của Asahi, 21 lần đối với Carlsberg và 20 lần đối với Heineken.
"Mức định giá này khiến Sabeco không còn hấp dẫn để đầu tư", một chuyên gia chia sẻ. Theo vị này, nếu muốn nhắm tới thị trường Việt Nam thì vẫn còn vô vàn cổ phiếu khác với mức định giá hấp dẫn hơn, đặc biệt khi P/E trung bình của thị trường chỉ ở mức 16 - 18 lần.
Tuy nhiên, Sabeco vẫn còn yếu tố để hấp dẫn một bộ phận nhà đầu tư khác - những công ty bia lớn trên thế giới. "Giá là vấn đề xét về khía cạnh đầu tư, nhưng tỷ lệ bán hơn 53% có thể khiến việc định giá này trở nên 'nhẹ nhàng' hơn nếu mục đích hướng tới hoạt động kinh doanh", chuyên gia này nhận định. Đặc biệt khi Việt Nam là một trong số ít thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao đối với sản phẩm đồ uống này.
Theo dữ liệu của Euromonitor, Sabeco hiện giữ thị phần gần 41% và tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu nhờ sự tăng trưởng mạnh ở nhiều phân khúc sản phẩm. Khác với Habeco tại thị trường phía Bắc đang đánh mất dần thị trường, thì Sabeco đang vươn lên mạnh mẽ và trở thành đối trọng lớn nhất cho những đối thủ nước ngoài như Heineken hay Carlsberg.
Mặc dù sở hữu nước ngoài tại Sabeco vẫn bị giới hạn ở mức 49%, nhưng đây không phải là rào cản quá lớn. Với số cổ phần được mua tối đa còn lại là 38,59%, dù chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào, con số này vẫn đủ để một doanh nghiệp nước ngoài trở thành cổ đông lớn nhất và có tiếng nói trong hoạt động kinh doanh.
Dù vậy, "phải mua bằng mọi giá" sẽ giới hạn phần nào những nhà đầu tư tiềm năng. Trong số những doanh nghiệp bia lớn từng đánh tiếng mua cổ phần tại Sabeco, có nhiều doanh nghiệp đã có nhà máy và hoạt động tại Việt Nam. Điều này khiến động lực phải chấp nhận mức định giá "phi lý" trở nên thấp hơn.
Đơn cử như Heineken, trong lần trả lời phỏng vấn của Reuters, đơn vị này từng cho biết đang nắm giữ 5% cổ phần tại Sabeco. Heineken hiện cũng là thương hiệu giữ thị phần thứ 2 với 25% và có nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam. Điều này dẫn đến nhận định rằng, động lực để Heineken chấp nhận mức định giá gấp hơn 2 lần của Sabeco so với chính thương hiệu này là điều khó xảy ra.
Carlsberg và Anheuser Busch Inbevnv (ABInbev) cũng như vậy. Nhà sản xuất bia từ Đan Mạch đang trong quá trình đàm phán với Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Doanh nghiệp này có tiền đề để thâu tóm Habeco khi đang là cổ đông chiến lược và sở hữu hơn 17% cổ phần. Trong khi ABInbev cũng có nhà máy tại Việt Nam từ giữa năm 2015.
Trong lần trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Chủ tịch và giám đốc điều hành của Asahi, Akiyoshi Koji cũng đánh giá "định giá của Sabeco quá cao và giá cổ phiếu không giảm xuống".
Dù vậy, vẫn còn những cái tên tiềm năng trong danh sách này.
Hai "đại gia" Thái Lan là Thai Beverage và Singha là ví dụ. Cả 2 tập đoàn này từng đánh tiếng muốn mua Sabeco từ cách đây nhiều năm. Thời điểm đó, Thai Beverage từng đề nghị trả mức giá cao hơn 60% giá thị trường để mua 40% cổ phần tại Sabeco, theo Wall Street Journal.
Động lực để hai đại gia này tham gia vào phiên đấu giá sắp tới cũng lớn hơn khi áp lực tăng trưởng thu hẹp tại thị trường nội địa, trong khi tiềm năng tăng trưởng của thị trường bia Việt đang rất lớn. Lý do này cũng tương tự cho các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản như Kirin hay Asahi, vốn đang đối mặt với tốc độ suy giảm nhanh của thị trường nội địa và phải tìm cách mở rộng ra thị trường nước ngoài để duy trì tăng trưởng, nhưng không còn quá nhiều lựa chọn.
Hiện vẫn khó có thể dự đoán được diễn biến giá của cổ phiếu Sabeco cũng như khả năng thành công của phiên đấu giá sắp tới. Nhưng với triển vọng tích cực vào thị trường bia và những "đại gia" sẵn sàng móc hầu bao để mua cổ phần, việc thu về hàng tỷ USD từ thoái vốn Sabeco không phải điều quá vọng tưởng.