Lãnh đạo ABAC chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP |
Đây là ý kiến của ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh (ABAC) trao đổi tại cuộc họp báo chiều tối ngày 6/11 sau kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC lần thứ 4 (ABAC 4). Chủ tịch ABAC cho biết ABAC sẽ tập trung kiến nghị các nhóm vấn đề chính lên lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào ngày 10/11.
20 kiến nghị của ABAC gửi lên các nhà lãnh đạo APEC gồm: Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự mới về lĩnh vực dịch vụ; xóa bỏ hàng rào phi thuế quan; tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư; xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; 4 kiến nghị về kết nối khu vực và thể chế, hạ tầng và con người và 10 kiến nghị về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế.
Trong đó, ABAC sẽ tập trung kiến nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 3 vấn đề gồm: Tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực và dỡ bỏ hàng rào bảo hộ để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển thương mại và đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỹ thuật số; xây dựng tầm nhìn 2020 và các năm tiếp sau đó.
Báo cáo được ABAC 4 kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế APEC cần thể hiện sự quyết tâm trong thúc đẩy tự do hoá thương mại (bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ) cũng như sự tự do dịch chuyển nguồn lực đầu tư. Để làm được điều này, các nền kinh tế APEC cần cải thiện thể chế, xoá bỏ hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới, thực hiện cam kết thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.
“Đây là những giải pháp để GDP của các nền kinh tế APEC tăng trưởng 3,7% trong năm tới và dòng chảy thương mại toàn cầu đang hồi phục”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, với thương mại gia tăng nhưng tốc độ tăng trưởng còn chậm kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Chính phủ của các nền kinh tế APEC cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa trong tái cơ cấu nhằm cải thiện năng suất, tiền lương và kỹ năng để người dân và doanh nghiệp có thể điều chỉnh phù hợp với xu thế toàn cầu để hướng tới sự phát triển bền vững.
Còn ông Roderick Ian Eddington, đại diện từ Australia khẳng định, tự do hoá thương mại cơ bản mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng sẽ có những người bị ảnh hưởng. Hội nghị ABAC lần này cũng tính đến cả những người bị tổn thương và ảnh hưởng. Hội nghị cũng bàn nhiều để có sự hỗ trợ tốt hơn những doanh nghiệp nhỏ, sự phát triển của phụ nữ.
Ngoài ra, báo cáo của ABAC cũng đề cao những thay đổi đáng kinh ngạc mà nền kinh tế số đã tạo ra cũng như xu hướng dịch chuyển tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, sự chênh lệch về trình độ phát triển của các nền kinh tế APEC cũng như với nhóm người dễ bị tổn thương đang là một thách thức mà APEC đang phải đối mặt.
“Vì vậy, đầu tư vào hạ tầng để bảo đảm khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc trong tương lai cho nhóm người dễ bị tổn thương, bảo đảm vấn đề dữ liệu xuyên biên giới cũng như an ninh mạng cần là những ưu tiên của các thành viên APEC”, ông Dũng khẳng định. “ABAC sẽ tiếp tục tập trung vào chương trình này trong năm 2018”.
Các đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận 4 sáng kiến của Việt Nam về nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bao trùm kinh tế tài chính và xã hội.
Bên cạnh đó, ABAC còn tổ chức nhiều phiên họp nhóm về tài chính và kinh tế, về hội nhập kinh tế khu vực, phát triển bền vững, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nhân.
ABAC được thành lập năm 1995 tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 3 (tổ chức tại Nhật Bản) nhằm phát huy vai trò khu vực kinh tế tư nhân trong hợp tác APEC.