Bộ Xây dựng cho rằng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh. |
Doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng 68%
Theo thống kê của Cục quản lý đăng ý kinh doanh, trong số doanh nghiệp mới thành lập, tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập ở lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng mạnh nhất, từ 1.611 doanh nghiệp vào tháng 7/2016 lên tới 2.706 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường vào tháng 7/2017 (tăng 68% so với cùng kỳ năm trước).
Cùng với đó, 7 tháng qua, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được rót vào thị trường BĐS Việt Nam cũng khá lớn. Theo báo cáo vừa công bố của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực BĐS đứng thứ 4 về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,15 tỷ USD.
Hiện nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào 619 dự án BĐS còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn tính đến ngày 20/7/2017 là hơn 51,6 tỷ USD. Đây là lĩnh vực đang đứng thứ về tổng vốn FDI thu hút được vào Việt Nam.
So sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2017 phân theo lĩnh vực hoạt động. Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh.
Trong một khảo sát mới đây của CBRE về Mục tiêu của các nhà đầu tư Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2016 và 2017 cũng đưa ra những chỉ số cho thấy lĩnh vực kinh doanh BĐS ở Việt Nam đang tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp. Cụ thể, theo CBRE, lợi suất đầu tư cho các tòa nhà văn phòng có vị trí đắc địa tại TP.HCM và Hà Nội đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn 3-4% so với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và cao nhất trong số 21 thành phố trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Không chỉ ở thị trường văn phòng, thị trường nghỉ dưỡng với tốc độ tăng trưởng cao về cả lương khách du lịch và khách thương vụ cũng rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường
Đánh giá thị trường BĐS nửa đầu năm 2017, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản ổn định, không có nhiều biến động, tồn kho tiếp tục giảm, cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của thị trường; tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng.
Đáng chú ý, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển mạnh đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, trên thị trường hiện vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu BĐS trong một số phân khúc sản phẩm, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu nhiều so với nhu cầu. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn chậm so với kế hoạch. Lượng tồn kho BĐS tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khá lớn.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường, đảm bảo yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của nhà nước để kiểm soát thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường.