7 cán bộ tổng cục thủy sản làm giả giấy phép, trục lợi doanh nghiệp

Thấy doanh nghiệp ồ ạt gửi hồ sơ xin lưu hành sản phẩm thủy sản, ông Quý và cấp dưới giả mạo giấy tờ để cấp phép, nhận "lại quả" hơn bảy tỷ đồng.
Ông Quý (ngoài cùng bên phải) và các bị cáo tại tòa.
Ông Quý (ngoài cùng bên phải) và các bị cáo tại tòa.

Sau bốn ngày xét xử, nghị án, ngày 16/4, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Bùi Đức Quý (63 tuổi, cựu giám đốc trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định - Trung tâm 3K thuộc Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) sáu năm tù về tội Giả mạo trong công tác, theo Điều 284 Bộ Luật hình sự 1999.

Tòa cũng tuyên phạt bà Đỗ Thị Hà (30 tuổi, cựu cán bộ phòng Khảo nghiệm 3K) bốn năm tù; Nguyễn Thị Hà (38 tuổi, cán bộ văn phòng 3K), Vũ Thị Thu (36 tuổi, cựu cán bộ trung tâm miền Đông Nam bộ) và Lê Tuấn Anh (39 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng Tổng cục Thủy sản) mỗi bị cáo ba năm tù cùng tội danh theo Điều 284.

Hai cán bộ khác của trung tâm 3K Nguyễn Văn Dũng (33 tuổi), Nguyễn Huy Bàn (39 tuổi) bị phạt ba năm và 30 tháng tù nhưng được hưởng án tù treo.

Dù một số bị cáo không thừa nhận hành vi, song tòa cho rằng có cơ sở xác định việc phạm tội của ông Quý và sáu đồng phạm.

Theo tòa, trung tâm 3K được giao thực hiện các hoạt động khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định về giống, thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản… để phục vụ chính sách nuôi trồng thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trung tâm K3 có nhiệm vụ đánh giá, tổng hợp trình Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản và cơ quan cấp cao hơn để ban hành danh mục thức ăn thủy sản, chất bổ sung thức ăn; chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý môi trường, cải tạo môi trường, hóa chất, hóa chất hạn chế sử dụng và hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

Từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014, Bộ Nông nghiệp tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thủy sản để rà soát tổng thể các quy định pháp luật liên quan. Song các doanh nghiệp vẫn gửi hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm liên quan đến nuôi trồng thủy sản về Tổng cục Thủy sản.

Tòa cáo buộc, lợi dụng sơ hở trong việc phát hành các văn bản, phụ lục của ngành, từ 2014 đến tháng 3/2015, ông Quý cùng các nhân viên dưới quyền đã “chế” và phát hành sáu văn bản giả mạo của Tổng cục Thủy sản. Nội dung sáu văn bản này đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản vào danh sách được phép lưu hành cho hơn 100 doanh nghiệp.

Trong đó, ông Bàn đã ghép thêm 111 sản phẩm, bà Đỗ Hà ghép 57 sản phẩm... Các sản phẩm thêm này được ghép từ năm 2014. Tuy nhiên, ông Bàn đã trao đổi với bà Đỗ Hà liên hệ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bằng cách ghi lùi thời gian về năm 2013.

Hợp thức hóa ban hành văn bản, ông Bàn lập các phiếu kết quả thẩm định khống rồi lấy số phiếu thẩm định lùi ngày, đóng dấu đỏ, trình Giám đốc Quý ký duyệt. Sau đó, ông Bàn và bà Đỗ Hà photo, cắt dán chữ ký Phó tổng cục trưởng trên công văn, liên hệ với Tuấn Anh lăn số, ngày tháng. Nhận công văn, Tuấn Anh đóng dấu để phát hành cho các doanh nghiệp.

Khoảng tháng 3/2015, mặc dù không còn giữ chức Giám đốc trung tâm, ông Quý vẫn ký nháy vào phần phụ lục ghép các sản phẩm không được phép lưu hành.

Cơ quan điều tra xác định, các doanh nghiệp đã phải “lại quả” cho các bị cáo số tiền từ 5 đến 25 triệu đồng/sản phẩm, tổng cộng hơn 7,3 tỷ đồng. Trong đó, ông Quý nhận hơn 910 triệu đồng, Bàn 300 triệu đồng...

Tòa cho rằng, hành vi của các bị cáo đã ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế về nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản của Nhà nước, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản… Điều này dẫn đến hệ lụy và khả năng thiệt hại về kinh tế cho người dân nuôi trồng thủy sản.

Chuyên đề