Bị cáo Trung (áo xanh, hàng đầu bên trái) và tám đồng phạm tại tòa. |
Sau một tháng tuyên án, TAND Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của sáu trong 9 bị cáo bị kết tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" do liên quan trách nhiệm sự cố vỡ ống nước sông Đà.
Trong đơn kháng cáo, ông Hoàng Thế Trung (58 tuổi, nguyên giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) cho rằng bản án sơ thẩm tuyên 24 tháng tù là quá nặng. Dự án đường ống nước sạch sông Đà sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đường kính lớn, lần đầu tiên được áp dụng Việt Nam. Tất cả các nhà thầu thiết kế, nhà thầu sản xuất, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát đều chưa từng có kinh nghiệm triển khai.
Theo ông, bản án sơ thẩm chưa đánh giá xem xét tới điều kiện, hoàn cảnh khi xây dựng dự án và thực tế dự án đã mang lại lợi ích lớn cho người Hà Nội. "Vụ án không có hậu quả xảy ra dù là vật chất hay phi vật chất. Chi phí sửa chữa, khắc phục đã nằm trong kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của đơn vị quản lý, khai thác", ông Trung nêu.
Hai bị cáo Vũ Thanh Hải (20 tháng tù, nguyên trưởng phòng sản xuất, nguyên quản đốc phân xưởng), Đỗ Đình Trì (20 tháng tù, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam) cùng cho rằng mức án quá nặng, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét cho hưởng án tù treo để có cơ hội chữa bệnh và làm việc trang trải kinh tế cho gia đình.
Các ông Trần Cao Bằng (24 tháng tù, nguyên giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Nguyễn Văn Khải (20 tháng tù, nguyên phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội), Vũ Thanh Hải (20 tháng tù, nguyên quản đốc của Công ty ống sợi thủy tinh) kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét khách quan vụ án và triệu tập một số đương sự, người làm chứng, điều tra viên, cơ quan giám định nhằm làm sáng tỏ nhiều nội dung.
Theo bản án sơ thẩm, dự án nước sạch sông Đà từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016 đã 18 lần vỡ đường ống. Việc này khiến nước sạch sinh hoạt cung cấp cho Hà Nội phải dừng trong thời gian 386 giờ, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân. Với trách nhiệm phụ trách dự án, các bị cáo đã có nhiều sai phạm, đủ cơ sở kết tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Cấp sơ thẩm nhận định, công nghệ sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục ngành, nghề thuộc các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư. Do đó, không đủ cơ sở để xem xét dự án “Nhà máy sản xuất ống cốt sợi thủy tinh” là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới ở Việt Nam để hưởng ưu đãi.
Tài liệu, chứng cứ trong vụ án cho thấy Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm trong việc sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cấp cho Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội. Vì vây, tòa không có căn cứ để áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo trong vụ án này.