Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 21/8, bà Hinh cùng Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Maritime - MSI), Trần Hồng Ngọc (38 tuổi), Nguyễn Trọng Hùng (40 tuổi) bị Công an Hà Nội đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán trong vụ án sai phạm về kinh doanh cổ phiếu xảy ra tại Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Công ty KSA).
Theo cáo buộc, tháng 9/2015, Công ty KSA phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ gần 374 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, nhà đầu tư không mua cổ phiếu KSA.
Để được công nhận kết quả chào bán thành công và chấp thuận lưu ký, bà Hinh đã lập danh sách phân phối hơn 56 triệu cổ phiếu cho 11 cá nhân, công ty - đều là chỗ thân quen. 11 triệu cổ phiếu còn lại, công ty hủy bỏ.
Bà Hinh ký sổ cổ đông xác nhận số cổ phiếu đã phân phối cho 11 công ty và cá nhân. Ngày 26/11/2015, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận cho lưu ký số cổ phiếu này. Tuy nhiên, cổ phiếu KSA tính thanh khoản thấp, không có người mua. Bà Hinh sau đó đã nhờ Tuấn thực hiện giao dịch chéo giữa các tài khoản để tăng giá, giữ thị trường cho mã cổ phiếu này.
Để "thổi giá", thao túng thị trường, đầu tháng 12/2015, Hinh nhờ nhân viên công ty VSM và các cá nhân đứng tên mở 69 tài khoản giao dịch ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau. 34 tài khoản (gần 24 triệu cổ phiếu KSA) được giao cho Tuấn, Hùng để tự thực hiện việc giao dịch. Bà Hinh và Ngọc quản lý số tài khoản giao dịch chứng khoán còn lại.
Theo cáo buộc, các bị can Hinh, Tuấn và Hùng đặt lệnh giao dịch chéo giữa các tài khoản ngay tại phòng họp của công ty VSM. Sau khi tạo ra các giao dịch ảo, cổ phiếu KSA giá tăng có lúc đến 60.000 đồng/cổ phiếu. Gần 1.500 nhà đầu tư đã tham gia mua bán.
Số tiền chênh lệch từ các giao dịch trên của nhà đầu tư, Ngọc rút về rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Hinh. Cũng có khi số tiền này được quay vòng để tiếp tục thực hiện giao dịch ảo giữa các tài khoản để thu hút nhà đầu tư
Đầu tháng 7/2016, cổ phiếu KSA đồng loạt giảm sàn nên việc giao dịch chéo giữa các tài khoản bị dừng.
Cơ quan điều tra cáo buộc, các bị can tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường. Gần 1.500 nhà đầu tư đã mua 30 triệu cổ phiếu KSA (hơn 180 tỷ đồng), song bán ra được hơn 172 tỷ, bị thiệt hại 8 tỷ.
Ngày 9/4, Công an Hà Nội ủy thác điều tra cho 107 đơn vị là công an 54 tỉnh thành, xác minh được 1.420 trong tổng số gần 1.500 bị hại. Hiện có 124 người và ba công ty chứng khoán đề nghị bồi thường gần bốn tỷ đồng. Số còn lại không đề nghị.