FCV hướng tới các giải pháp công nghệ về phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...Ảnh: H.O |
Đó là con số được công bố ngày 13/8 tại buổi khởi động Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Chương trình FCV) lần thứ hai tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chương trình FCV do Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (Mekong Business Initiative - MBI). Dự án do Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
Tiếp theo thành công của Chương trình FCV lần thứ nhất, Chương trình FCV năm nay hướng tới các giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực: Phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tiếp cận dịch vụ tài chính và an ninh mạng.
Đề cập đến mục tiêu của Chương trình FCV, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo về Fintech nhấn mạnh: “Những trải nghiệm và kết quả thu được từ cuộc thi FCV 2019 được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, qua đó góp phần giúp các nhà quản lý trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam trong tương lai”.
Mục tiêu của Chương trình FCV nhằm thúc đẩy công nghệ tài chính và hợp tác trong ngành hướng tới phổ cập tài chính và chuyển đổi ngân hàng số tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh.
“FCV là chương trình sáng tạo có sự tham gia của cơ quan quản lý, các ngân hàng và các công ty fintech nhằm tìm ra những điểm giao thoa giữa khu vực công và tư" - ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định. Đây là một cơ chế độc đáo nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ bền vững để tiếp cận các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại Việt Nam.
Các Đối tác thương mại của Chương trình không chỉ gồm các ngân hàng (TP Bank, Vietcombank, Vietinbank, UOB) mà còn có doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ViettelPay), những tổ chức đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả mô hình kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phổ cập tài chính. Chương trình sẽ giúp các tổ chức này tìm kiếm các giải pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
FCV2019 cũng có sự đồng hành của các đối tác kỹ thuật (E&Y, Padang&Co), các nhà tài trợ (MasterCard, VISA), các đối tác đầu tư (Vinacapital Ventures) và các đối tác khác (Vietfintech, VNBA).
Các công ty công nghệ tài chính (fintech) có thể nộp hồ sơ tham gia FCV2019 đến ngày 25/9/2019 tại fintech.mekongbiz.org. Các fintech ở giai đoạn đầu cũng như các công ty ở giai đoạn sau - đã có sản phẩm sẵn sàng - tại Việt Nam và các nước khác đều có thể tham gia ứng tuyển.
Những công ty fintech được lựa chọn sẽ có cơ hội trình bày giải pháp của mình tại Demo Day tổ chức vào ngày 7/11/2019. Một hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia độc lập sẽ tiến hành đánh giá và trao giải thưởng bằng tiền mặt cho 3 công ty ở giai đoạn đầu và 3 công ty ở giai đoạn sau.
Bên cạnh đó, hai ứng viên chung cuộc sẽ được Mastercard hỗ trợ tham gia trình diễn tại Sự kiện khách hàng của Mastercard trong khuôn khổ Ngày hội Công nghệ tài chính Singapore (Singapore Fintech Festival) vào tuần tiếp theo.
ADB cam kết hướng tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, đồng thời duy trì nỗ lực xóa nghèo. Trong năm 2018, ADB đã hỗ trợ các khoản vay và viện trợ mới trị giá 21.6 tỉ USD. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.