5 trường hợp không yêu cầu bảo lãnh tạm ứng với dự án đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ ban hành Nghị định 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Điểm đáng chú ý tại văn bản này là quy định rõ về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng và các trường hợp không yêu cầu bảo lãnh tạm ứng với dự án đầu tư công.

Theo đó, có 5 trường hợp không yêu cầu bảo lãnh tạm ứng. Đó là: Hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 1 tỷ đồng, hợp đồng đơn giản, quy mô nhỏ thì thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu và xây dựng; Hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu quốc gia; Hợp đồng ủy thác quản lý dự án; Các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trừ trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải xây dựng các công trình); Các trường hợp tạm ứng chi phí ban quản lý dự án cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đối với dự án đầu tư công, đối với các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 1 tỷ đồng yêu cầu phải có bảo lãnh tạm ứng. Theo đó, chủ đầu tư gửi đến cơ quan kiểm soát, thanh toán bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp với giá trị của từng loại tiền tương đương khoản tiền tạm ứng trước khi cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện việc chuyển tiền tạm ứng hợp đồng cho chủ đầu tư để thực hiện tạm ứng vốn cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp.

Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu.

Chủ đầu tư đảm bảo và chịu trách nhiệm về giá trị của bảo lãnh tạm ứng phải tương ứng với số dư tiền tạm ứng còn lại.

Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng và trong văn bản bảo lãnh tạm ứng.

Trường hợp bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục gia hạn bảo lãnh tạm ứng và gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán để làm căn cứ kiểm soát chi theo quy định. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi về thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng.

Nghị định 99/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Chuyên đề