Sự kiện thu hút gần 300 doanh nghiệp logistics quốc tế là các nhà cung cấp dịch vụ logistics từ 50 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển logistics.
Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, với tốc độ tăng trưởng thị trường logistics bình quân hàng năm từ 14 - 16%.
Tại sự kiện, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.
Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực logistics chia sẻ và tìm kiếm cơ hội hợp tác |
Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics đang đối mặt với nhiều thay đổi khó lường và sự phát triển của khoa học công nghệ đang đem đến những thách thức cần sự chung tay tháo gỡ của các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp ngành logistics đối mặt với thách thức, xu hướng mới sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững lĩnh vực này trong khu vực và quốc tế.
"Nhiều nội dung đã được thảo luận như: Hành trình số của FIATA; phát triển nhà giao nhận vận tải số; vai trò của trung tâm logistics trong phát triển vận tải xuyên biên giới và hành lang kinh tế Đông - Tây… Đặc biệt, với những chia sẻ về xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực, công nghệ 4.0 tiên tiến trong ngành logistics của các chuyên gia trên thế giới và khu vực đã giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nắm bắt được xu hướng phát triển, ứng dụng thực tiễn vào hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp", Chủ tịch VLA chia sẻ.