Từ trái qua, bị cáo Trần Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyến, Phạm Thanh Sơn tại phiên phúc thẩm. Ảnh: TTXVN |
Trong ngày 10-11/10, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 105 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin).
Phiên phúc thẩm được mở do ba cựu lãnh đạo Vinashin kháng cáo xin giảm hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự, riêng cựu chủ tịch Hội thành viên Nguyễn Ngọc Sự không đề nghị. Trong khi đó, VKSND Hà Nội cũng ra kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt với bị cáo Nguyễn Ngọc Sự và đề nghị tịch thu sung công quỹ số tiền 105 tỷ đồng các bị cáo đã hưởng.
Bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên hồi tháng 6 cho rằng ông Sự cùng bị cáo Trương Văn Tuyến (cựu tổng giám đốc), cựu phó tổng giám đốc Phạm Thanh Sơn (cựu phó tổng giám đốc) và Trần Đức Chính (cựu kế toán trưởng) đã gửi trái quy định hơn 1.000 tỷ đồng tiền nhà nước giao cho doanh nghiệp này vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Việc làm trên nhằm chiếm đoạt 105 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng do Oceanbank chi chăm sóc riêng. Bốn bị cáo phải nhận các mức án 6-13 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Số tiền 105 tỷ đồng phải nộp lại trả cho Oceanbank, trừ vào nghĩa vụ bồi thường của cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm đang phải thi hành tại bản án khác.
Trong hai ngày diễn ra phiên phúc thẩm, việc giải quyết số tiền 105 tỷ đồng vẫn chưa ngã ngũ. Không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm, kháng nghị của VKSND Hà Nội cho rằng việc tuyên trả khoản tiền này cho ngân hàng là không đúng quy định. Đây là khoản chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng của Oceanbank với Vinashin, bị ông Sự và các đồng phạm chiếm đoạt. "Khoản tiền này phải được xác định do phạm tội mà có, vì thế cần tịch thu sung quỹ nhà nước", VKSND Hà Nội nêu quan điểm.
Giữ quyền công tố tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị trên. Bởi 105 tỷ đồng được lấy từ khoản gửi ngân hàng của Vinashin. Theo thỏa thuận, Vinashin gửi tiền vào Oceanbank thì được hưởng ba khoản: tiền gốc, lãi, chi chăm sóc khách hàng (lãi suất ngoài hợp đồng). Tiền lãi suất ngoài hợp đồng vì thế phải thuộc về Vinashin, tức nhà nước. Các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này thì nay phải tịch thu sung công quỹ.
"Nếu các bị cáo đưa khoản tiền này vào sổ sách thì chỉ phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế. Nhưng các bị cáo không hạch toán vào sổ sách mà chiếm hưởng nên tạo nên hành vi chiếm đoạt tài sản, phạm vào tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản", VKSND Tối cao phân tích.
Tiền khi ở tài khoản thanh toán thì thuộc sở hữu, quản lý của Vinashin; còn khi ở tài khoản tiền gửi sẽ thuộc sở hữu, quản lý của Oceanbank. Hết kỳ hạn thì ngân hàng phải trả cho Vinashin. Thực tế, sau khi Oceanbank bị Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, số tiền gửi hơn 1.000 tỷ đồng của Vinashin chưa biết có thu hồi được không. Vinashin không còn quyền sử dụng, định đoạt số tiền này nên gây thiệt hại rất lớn. "Nhưng Vinashin không ý thức được thiệt hại này", đại diện cơ quan công tố nói.
VKSND Tối cao cũng cho rằng không có cơ sở vật chất chứng minh thiệt hại này thuộc về Oceanbank. Việc cấp sơ thẩm tuyên trả cho Oceanbank và khấu trừ vào phần nghĩa vụ bồi thường của ông Hà Văn Thắm là không có cơ sở.
Còn đại diện Oceanbank cho rằng 105 tỷ đồng là khoản ngân hàng bị thiệt hại do sai phạm của ông Hà Văn Thắm. Ngân hàng đồng tình với phán quyết của cấp sơ thẩm.
Như nhận định trước đó của VKS, đại diện của Vinashin tại phiên phúc thẩm tiếp tục khẳng định doanh nghiệp không bị thiệt hại 105 tỷ đồng. Hơn nữa, tiền gửi vào Oceanbank vẫn có khả năng bảo toàn.
Luật sư được cựu chủ tịch Hà Văn Thắm ủy quyền đại diện nói rằng thân chủ bị tuyên bồi thường 890 tỷ đồng cho Oceanbank vì hành vi chủ mưu chi lãi suất ngoài hợp đồng trái luật, gây thiệt hại cho ngân hàng, trong đó có số tiền 105 tỷ đồng. Cùng hành vi nhận lãi suất ngoài hợp đồng như vụ án tại Vinashin còn ba vụ án xảy ra ở các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã được TAND Hà Nội xét xử. Ba bản án đều quyết định các cá nhân nhận khỏan tiền này phải hoàn lại cho ngân hàng.
Luật sư đề nghị nếu tòa chấp nhận quan điểm của VKS trong phiên xử phúc thẩm này, bản án đã tuyên với ông Thắm vào giữa năm 2018 phải được xem xét lại. Ông Thắm sẽ không phải bồi thường số tiền 890 tỷ đồng. Ngược lại, nếu bản án tuyên với ông Thắm đúng quy định, luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng nghị của VKSND Hà Nội, tuyên y án sơ thẩm.
Ngoài vấn đề liên quan số tiền nêu trên, VKSND Cấp cao tại Hà Nội còn đề nghị chấp nhận nội dung kháng nghị tăng hình phạt với cựu chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự. Cơ quan công tố cấp cao cho rằng với vị trí đứng đầu tập đoàn, ông Sự giữ vai trò chính, là người chủ động bàn bạc, quyết định việc gửi tiền trái quy định vào Oceanbank.
Bị cáo cũng là người chỉ đạo để ngoài hệ thống sổ sách về khoản tiền đã nhận chỉ đạo chi tiêu trái luật và chia nhau hưởng lợi cá nhân với số tiền đặc biệt lớn. Hậu quả của vụ án cho đến nay phần lớn vẫn chưa được khắc phục. Việc bảo toàn vốn nhà nước giao cho doanh nghiệp không được thực hiện do khoản tiền gửi trái quy định không có khả năng thu hồi.
Do vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ thiệt hại đã xảy ra. Bản án sơ thẩm tuyên mức hình phạt 13 năm tù với bị cáo Sự là quá nhẹ, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra. "Chưa đảm bảo tính công bằng giữa các bị cáo trong cùng vụ án, chưa đáp ứng được công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm về tham nhũng trong tình hình hiện nay", đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định.
Ba bị cáo còn lại của vụ án không được VKND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt. Cựu kế toán trưởng Trần Đức Chính được đề nghị chấp nhận kháng cáo về mặt dân sự. VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị số tiền hơn 60 tỷ đồng mà án sơ thẩm tuyên ông này bồi thường phải được chia đều cho cả bốn người cùng hoàn trả.
Quan điểm của cơ quan công tố cấp cao vấp phải sự tranh luận, phản đối của các bị cáo và luật sư. Tuy nhiên, tới khi kết thúc phần tranh luận vào chiều 11/10, VKSND Cấp cao tại Hà Nội vẫn giữ nguyên tất cả các quan điểm giải quyết vụ án.
HĐXX phúc thẩm sẽ ra phán quyết vào chiều 14/10.