Bộ Công Thương: 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền là cần thiết?

(BĐT) - Bộ Công Thương vừa lên tiếng phản hồi các ý kiến về Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước (ĐQNN) trong hoạt động thương mại mà Bộ này đang lấy ý kiến.
Danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là "xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng". Ảnh: Tường Lâm
Danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là "xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng". Ảnh: Tường Lâm

Theo Dự thảo, dự kiến Danh mục này sẽ lên tới 20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện ĐQNN. Tuy nhiên ngay sau khi Dự thảo tung ra lấy ý kiến rộng rãi đã nhận được những ý kiến trái chiều.

Song, Bộ Công Thương khẳng định cần thiết phải ban hành Nghị định này bởi một số lý do.

Thứ nhất là Khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 quy định: "Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia", đồng thời giao "Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước". Tại văn bản số 130/TTg-KTTH ngày 27/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế có liên quan.

Thứ hai là Danh mục, một khi được ban hành, sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu tại các Nghị quyết Hội nghị lần 3 Ban Chấp hành TW Đảng khoá IX, Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành TW Đảng khoá X và Kết luận 50/KL-TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI. Đồng thời, Danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước (ĐQNN) trong hoạt động thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát công khai việc thực hiện ĐQNN trong các lĩnh vực được liệt kê. Bên cạnh đó, việc ban hành Danh mục còn giúp tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc bảo lưu quyền của Việt Nam trong các cuộc đàm phán quốc tế về mở cửa thị trường, qua đó tăng cường tính minh bạch cũng như tính hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Về việc Danh mục dự kiến nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ trong lên con số 20 loại hàng hóa, dịch vụ thay vì con số 19 như thời điểm cuối năm 2015, Bộ Công Thương giải thích: “Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là "xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng". Bộ này nhất mực khẳng định, toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại Danh mục đều là các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng ĐQNN, phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định là giới hạn phạm vi thực hiện ĐQNN chỉ trong các lĩnh vực, địa bàn thiết yếu mà Nhà nước cần phải giữ độc quyền liên quan đến an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn hay không có khả năng tham gia.

“Danh mục không mở rộng và cũng không tăng thêm các lĩnh vực ĐQNN ngoài các lĩnh vực đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tại văn bản phản hồi công bố, Bộ Công Thương cũng cho biết, Danh mục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định có thể được điều chỉnh giảm khi Luật và Pháp lệnh có liên quan cho phép bãi bỏ lĩnh vực ĐQNN; hoặc khi có đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh hoặc khi có đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực ĐQNN quy định Danh mục.

Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay, việc cho ra đời một bản Danh mục hướng dẫn về ĐQNN trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, ngược lại với xu thế cải cách.  

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, nếu ban hành Nghị định trên, sẽ có nhiều nội dung trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014…

Chuyên đề