Xây dựng trạm dừng nghỉ hơn 230 tỷ đồng trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phê duyệt dự án trạm dừng nghỉ với tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Xây dựng trạm dừng nghỉ hơn 230 tỷ đồng trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang |
Ngày 18/11, Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cho biết đang tiến hành đấu thầu rộng rãi để tìm nhà đầu tư thực hiện dự án trạm dừng nghỉ tại cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Theo đó, trạm dừng nghỉ có tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng sẽ được bố trí 2 bên tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại lý trình Km334+900 thuộc xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Tổng diện tích của Dự án rộng gần 8 ha, trong đó bên phải tuyến rộng hơn 4,2 ha, bên trái tuyến gần 3,6 ha. Hiện trạng khu vực này là đất đồi, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Dự án sẽ xây dựng các công trình gồm bãi đỗ xe, nhà dịch vụ, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vực ăn uống, giải khát, trạm cấp nguyên liệu...
Tiến độ tổng thể công trình dự kiến khoảng 12 tháng. Thời gian khai thác Dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.
Trước đó vào đầu tháng 10, Cục Đường cao tốc Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt dự án trạm dừng nghỉ trên.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83 km, đi qua 4 huyện, thị xã ở Khánh Hòa. Cao tốc có 4 làn xe, rộng 17 m và vận tốc tối đa 90 km/h.
Dự án khởi công đầu năm 2023 với tổng vốn gần 12.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng và thông xe trước ngày 30/4/2025.
TP.HCM đơn phương dừng hợp đồng BOT Dự án đường nối cao tốc Trung Lương
Sau 6 năm đình trệ, TP.HCM chính thức dừng hợp đồng BOT Dự án đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương, dài gần 3 km, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Một nhánh đường nối với đại lộ Võ Văn Kiệt thuộc dự án nằm trơ trọi sau 6 năm dừng thi công |
Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng vừa được UBND TP.HCM gửi nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương (doanh nghiệp dự án). Động thái này được đưa ra do quá trình triển khai, 2 đơn vị này có những vi phạm nghiêm trọng trong hợp đồng BOT đã ký với Thành phố.
Nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện Dự án hiện không chứng minh được nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Họ cũng không phối hợp cung cấp thông tin, hồ sơ và các tài liệu liên quan để Thành phố xác định khối lượng công việc đã hoàn thành tại công trình nên không đủ cơ sở để thanh toán.
Việc đơn phương dừng hợp đồng BOT giúp TP.HCM có thể tiếp tục hoàn thiện Dự án. Chính quyền Thành phố dự tính chuyển dự án này sang đầu tư công với các hạng mục còn lại để sớm đưa công trình vào khai thác. Trước đó, trên địa bàn Thành phố từng có công trình tương tự là cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) cũng dừng hợp đồng BOT trước hạn và chuyển qua dùng vốn ngân sách.
Dự án đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương được Bộ Giao thông vận tải duyệt năm 2010, kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Do thiếu vốn, năm 2015, UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư. Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, đơn vị thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương) năm 2016 được Thành phố chọn làm đối tác, vốn đầu tư dự án giảm còn 1.550 tỷ đồng. TP.HCM lo phần giải phóng mặt bằng, ước tính 560 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, nhà đầu tư tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Khi làm xong công trình, nhà đầu tư được đặt một trạm để thu phí hoàn vốn trong 17 năm 8 tháng. Dự án khi đó tính hoàn thành cuối năm 2017, song mới đạt khoảng 12% khối lượng thì thi công cầm chừng rồi dừng hẳn từ năm 2019. Nguyên nhân do nhà đầu tư không đủ năng lực…
Nghệ An có tân Chủ tịch Hội đồng nhân dân
Chiều 18/11, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND Tỉnh khóa 18, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, tân Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An |
Với tỷ lệ phiếu đồng tình đạt 100%, ông Hiếu sẽ kế nhiệm ông Thái Thanh Quý - đã nhận nhiệm vụ Phó ban Kinh tế Trung ương hôm 26/10.
HĐND tỉnh Nghệ An hiện có 2 Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Nam Đình (thường trực) và ông Nguyễn Như Khôi.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu 57 tuổi, quê xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; thạc sĩ chuyên ngành quản lý công trình thủy lợi. Trước khi làm Chủ tịch HĐND Tỉnh, ông trải qua các chức vụ Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn Tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Tỉnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An.
Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước (16.490 km2), đứng thứ tư về quy mô dân số với hơn 3,3 triệu, nằm trên trục giao thông chính nối liền Bắc Nam và có hệ thống đường bộ, đường sắt phát triển, xuyên quốc gia. 9 tháng đầu năm, thu ngân sách của Nghệ An đạt 16.671 tỷ đồng, bằng 143,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hà Nội dự kiến chi gần 4 tỷ đồng hỗ trợ người trồng đào Nhật Tân
Nghị quyết hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão Yagi dự kiến được HĐND thành phố Hà Nội thông qua vào ngày mai, trong đó người trồng đào Nhật Tân nhận tổng cộng 4 tỷ đồng.
Khoảng 65 ha trồng đào Nhật Tân (Tây Hồ) bị mất trắng do ảnh hưởng bão Yagi |
Thành phố Hà Nội muốn dành gần 38 tỷ đồng để giúp người dân khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống. Số tiền hỗ trợ tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.
Đến cuối tháng 11, Hà Nội ghi nhận 234 ha đào cảnh bị thiệt hại, tập trung chủ yếu tại Tây Hồ, Đông Anh và Thường Tín. Bên cạnh đó, hơn 157 ha quất cảnh cũng bị ảnh hưởng, chủ yếu ở Tây Hồ, Đông Anh, Thường Tín.
Ngoài ra, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức cũng báo cáo thiệt hại đối với khoảng 108 ha cây phật thủ và Phúc Thọ, Ba Vì hư hại 30 ha mai trắng, phát lộc, nhài Nhật, hoa giấy, hoa trà...
Đổ bộ Hà Nội chiều tối 7/9 với sức gió cấp 10 (102 km/h), bão Yagi đã làm 4 người chết, 24 người bị thương; khoảng 40.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 9.000 ha cây ăn quả và 4.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng; 3.299 con gia súc bị chết; 453.00 con gia cầm bị chết và thất lạc. Tổng thiệt hại kinh tế gần 2.300 tỷ đồng.
Bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến các loại cây trồng đặc trưng của Hà Nội như đào Nhật Tân và quất Tứ Liên. Với hơn 65 ha đào (65,4% tổng diện tích) và gần như toàn bộ diện tích quất (27,5 ha, chiếm trên 90%) bị mất trắng, người dân thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng.
Hải Phòng sẽ phân bổ hơn 92.000 tỷ đầu tư công
Dự kiến tổng nguồn đầu tư công trung hạn của Hải Phòng giai đoạn 2026 - 2030 là hơn 92.420 tỷ đồng.
Dự án Trung tâm hành chính - chính trị mới của TP. Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên |
Kế hoạch đầu tư được HĐND TP. Hải Phòng khóa XVI, Kỳ họp thứ 19 hồi tháng 10 thông qua. Trong đó có 5.533 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và hơn 86.887 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.
Theo kế hoạch, Thành phố sẽ phân bổ cho một số dự án quan trọng như: Dự án Xây dựng tuyến đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; Dự án Phát triển thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu có tổng mức vốn đầu tư hơn 9.857 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn Hải Phòng có tổng vốn đầu tư hơn 3.896 tỷ đồng.
55 dự án khác của Thành phố cũng sẽ được phân bổ hơn 61.625 tỷ đồng, gồm 25 dự án thực hiện từ giai đoạn trước chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 và 30 dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.
UBND TP. Hải Phòng cho biết, so với giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 tăng 28,71% về số vốn và giảm 80,63% về số dự án. Điều này cho thấy định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung mũi nhọn vào một số định hướng lớn của Thành phố. Các dự án dự kiến thực hiện giai đoạn 2026 - 2030 đều bám sát yêu cầu, mục tiêu phát triển của Thành phố theo định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Vũng Tàu cưỡng chế 2 khu du lịch để chỉnh trang Bãi Sau
Chính quyền TP. Vũng Tàu huy động gần 100 người cưỡng chế hai khu du lịch, thu hồi hơn 3,8 ha đất để chỉnh trang trục đường Thùy Vân ở biển Bãi Sau, ngày 18/11.
Hai khu du lịch nhìn từ trên cao |
Hơn 8h, chính quyền phong tỏa đoạn trước cổng khu du lịch của Công ty CP Du lịch quốc tế Hải Dương, ở số 1, Thùy Vân, TP. Vũng Tàu. Chỉ những người là thành viên trong đoàn mới được vào khu vực cưỡng chế. Lúc này bên trong khu du lịch vắng người.
Sau khi tiến hành các thủ tục, đoàn cưỡng chế tiến hành di dời bàn ghế, đồ vật trang trí ở khu vực lễ tân của khu du lịch tập kết ở khoảng sân rộng. Nhiều ôtô chở hàng hóa cũng được điều động đến để phục vụ việc di chuyển tài sản.
Sáng cùng ngày, đoàn cưỡng chế công bố quyết định cưỡng chế khu du lịch bên cạnh ở số 1A, Thùy Vân của Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu, nhưng cho phép "dọn dẹp tài sản cá nhân" trong hết ngày 19/11.
Hai khu du lịch bị cưỡng chế đều ba sao, xây trên khu đất rộng hơn 3,8 ha, thuộc 28 ha đất được Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC) thuê năm 1996.
Sau đó, Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho 9 doanh nghiệp thuê đất, hạ tầng kinh doanh khách sạn, nhà hàng... Theo kết luận của Thanh tra Tỉnh, hầu hết doanh nghiệp thuê đất ở Bãi Sau đều có các công trình xây dựng trái phép, không phép cần phải tháo dỡ.
Vào năm 2021, UBND Tỉnh ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất để triển khai Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân, với tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng. Tháng trước TP. Vũng Tàu đã khởi công Dự án sau khi 7/9 doanh nghiệp giao đất.
Riêng Công ty CP Du lịch quốc tế Hải Dương và Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu không đồng ý giao mặt bằng và khiếu nại với lý do khu đất đang sử dụng thuê trực tiếp từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không phải từ Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh xác định việc thu hồi là đúng quy định pháp luật.
Bãi Sau dài hơn 3 km, từ chân núi Nhỏ đoạn đầu ngã 3 đường Thùy Vân và Phan Chu Trinh đến khu vực Chí Linh. Đây là bãi tắm chính ở Vũng Tàu có nhiều cơ sở nghỉ dưỡng và thu hút khách du lịch.
Đình chỉ các kiểm toán viên ký báo cáo tài chính cho Quốc Cường Gia Lai
Do thực hiện không đầy đủ thủ tục và chưa thu thập đủ thông tin trước khi đưa ra ý kiến, các kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán tài chính năm 2023 cho Quốc Cường Gia Lai sẽ bị đình chỉ.
Một dự án bất động sản của Quốc Cường Gia Lai tại TP.HCM |
Ngày 18/11, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) thông tin đã nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về báo cáo tài chính năm 2023 được kiểm toán của Công ty.
“Hội đồng quản trị sẽ làm việc với đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2024 của Công ty đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng và công bố đến quý cổ đông trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng Giám đốc QCG - thông tin.
Trước đó, ngày 13/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản thông tin về báo cáo tài chính năm 2023 được kiểm toán của QCG.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2024 của cơ quan này tại Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam (Công ty Kiểm toán DFK), hồ sơ kiểm toán cho thấy kiểm toán viên chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán và chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đình chỉ các kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 của QCG.
Từ năm 2020 đến nay, Công ty Kiểm toán DFK là đơn vị kiểm toán thường xuyên được QCG thuê kiểm toán báo cáo tài chính. Riêng báo cáo tài chính năm 2022 của QCG do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.
Tổng giám đốc GFDI bị bắt vì lừa 7.000 người góp vốn 3.700 tỷ đồng
Cơ quan điều tra bắt Nguyễn Quang Hoàng, với cáo buộc lừa đảo 3.700 tỷ đồng của hơn 7.000 người góp vốn đầu tư vào GFDI với lãi suất cao.
Nguyễn Quang Hoàng nghe đọc lệnh khám xét nơi ở |
Ngày 18/11, Nguyễn Quang Hoàng và Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Ngân quỹ GFDI, bị Công an TP. Đà Nẵng khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh, nhóm cán bộ GFDI là Nguyễn Đỗ Đạt, Giám đốc Tài chính; Tô Hồng Trà và Trần Thị Kiều Trang, lần lượt là Giám đốc, Phó giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch, bị khởi tố nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Nguyễn Quang Hoàng làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư (không bao gồm hoạt động đầu tư chứng khoán).
Công ty thành lập Hội sở tại phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, chi nhánh Sở Giao dịch ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng và 11 chi nhánh tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ tháng 5/2018 đến nay, Công ty GFDI huy động vốn bằng hình thức ký hợp đồng vay tiền của khách hàng.
Cơ quan chức năng cáo buộc Tổng giám đốc Hoàng chỉ đạo cho các chi nhánh, phòng kinh doanh, nhân viên kinh doanh quảng cáo, đưa ra thông tin gian dối rằng toàn bộ dòng tiền của khách hàng sẽ được Công ty GFDI sử dụng đầu tư các dự án có khả năng sinh lời cao như F&B (Nhà hàng Làng Nghệ Đà Nẵng; Nhà hàng Làng Nghệ Quảng Trị); Sản xuất hàng tiêu dùng & Thương mại: Seneco, Enzy Food, K-Products, sản xuất phim điện ảnh... Công ty cam kết hoàn trả tiền gốc, lãi đúng hợp đồng.
Hoàng chỉ đạo Công ty GFDI xuất bản các ấn phẩm quảng cáo, chạy nhiều chương trình marketing để giới thiệu về các dự án đầu tư trên, đồng thời đưa ra các hạn mức lãi suất cho vay hấp dẫn, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng…
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, Nguyễn Quang Hoàng đã chiếm đoạt của 7.541 khách hàng với tổng số tiền hơn 3.700 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của Hoàng có sự hỗ trợ, giúp sức của Đạt, Hạnh, Trà và Trang.
Khai thác khoáng sản không phép, Công ty Thống Nhất ở Bắc Ninh bị phạt nặng
UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt 120 triệu đồng đối với Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất có địa chỉ tại tầng 3, chung cư Cát Tường New, đường Lý Thái Tổ, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh do có hành vi khai thác khoáng sản không đúng quy định.
Toàn cảnh khu vực tổ hợp bất động sản, nhà ở của Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất |
Theo đó, Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất do ông Phạm Tiến Dũng chức danh Tổng Giám đốc làm người đại diện pháp luật đã có hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.
Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 120 triệu đồng. Công ty không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trước đó, năm 2021, Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất cũng bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt vi phạm hành chính với hành vi Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.