Ảnh Internet |
Ưu đãi thuế dàn trải
Chia sẻ tại Hội thảo “Các công cụ quản lý ngân sách nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam” ngày 18/10, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế cho biết, những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách tích cực để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) Đó là: thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế; ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả nền kinh tế; cơ cấu lại thu NSNN theo hướng mở rộng cơ sở thuế, rà soát lại các ưu đãi, miễn giảm thuế; tăng cường công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên, theo ông Phụng, việc thực hiện các nội dung trên vẫn gặp một số trở ngại nhất định. Đáng chú ý, yêu cầu mở rộng cơ sở thuế đã được quy định tại các văn bản mới ban hành song cách thức thực thi chưa tốt. “Thực tế, với các chính sách hiện nay, nếu quản lý tốt thì nguồn thu sẽ tăng. Chúng tôi muốn tăng cường quản lý để các sắc thuế được thực thi một cách công bằng và hiệu quả”, ông Phụng nói.
Trong khi quản lý thuế chưa hiệu quả, nhiều chính sách ưu đãi thuế quá dàn trải cũng khiến nguồn thu ngân sách trở nên eo hẹp hơn. Bày tỏ quan điểm về điều này, ông Phụng nói: “Việt Nam có lẽ là thiên đường thuế xét về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, thuế suất chuẩn của thuế thu nhập doanh nghiệp hiện được áp dụng ở mức 20%. Trong khi đó, nhiều trường hợp được ưu đãi ở mức rất cao với thuế suất giảm xuống còn 17%, 15% hoặc 10%, thậm chí nhiều trường hợp được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm hoặc miễn thuế suốt đời”.
Điều này cũng tương đồng với kết quả tại Báo cáo “Đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam” do Oxfam thực hiện năm 2017. Báo cáo này nhận xét, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam lớn và dàn trải, Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế khá cao cho các dự án đầu tư vào các địa bàn kém phát triển hay các khu kinh tế, những ưu đãi thuế có thể thúc đẩy hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận, gây xói mòn cơ sở thuế.
Ngành nào cũng muốn tăng chi
Ở đầu ra của ngân sách, ông Nguyễn Văn Phụng nêu một bất cập hiện nay: “Khoa học công nghệ, y tế và một số lĩnh vực đều muốn có thêm tiền để chi. Tiền đâu cho đủ? Trước khi muốn có tiền để chi thì cần nghĩ cách để cho chiếc bánh ngân sách to ra”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Marthew Martin, Giám đốc Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế (DFI) cho rằng, Việt Nam cần một nguồn lực tài chính lớn để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững (SDG). Muốn vậy, Việt Nam cần mở rộng không gian tài chính, tức là những tiềm năng để tăng chi tiêu cho phát triển mà không làm tổn hại đến sự bền vững của hệ thống tài chính công cũng như nền kinh tế.
“Có 8 giải pháp chung để mở rộng không gian tài chính. Tuy nhiên, các giải pháp như nới lỏng chính sách tài khóa hay vay nợ để đầu tư phát triển đều không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng kiểm soát lạm phát và nợ công hiện đang tiến đến mức trần 65% GDP. Việt Nam chỉ nên tập trung vào ba nội dung chính là: tái cơ cấu lại các khoản chi ngân sách; nâng cao hiệu quả chi ngân sách thông qua các cơ chế minh bạch và có sự tham gia của công chúng trong giám sát chi tiêu; nâng cao hiệu quả thu ngân sách bằng các giải pháp khác nhau như hạn chế gian lận thuế, bãi bỏ các ưu đãi thuế không cần thiết”, TS. Matthew Martin nói.
Từ khía cạnh khác, một trong những giải pháp để tăng cường hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước là kế hoạch tài chính trung hạn đã được nêu tại Luật Ngân sách 2015 và Luật Đầu tư công 2014. Tuy nhiên, đánh giá về việc thực hiện nội dung này, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường thuộc Học viện Tài chính nhận xét, dù luật đã nêu về nội dung này, song các văn bản hướng dẫn thực thi lại chậm được ban hành. Điều này dẫn đến tình trạng chính sách treo, khiến nhiều bộ, ngành và địa phương lúng túng trong triển khai. Một chính sách được ban hành mà không rõ về tiến độ thực hiện thì hiệu quả sẽ khó đong đếm.