Nguy cơ tín dụng đổ vào lĩnh vực nhiều rủi ro

(BĐT) - Đang tiềm ẩn nguy cơ tín dụng ngân hàng chảy mạnh vào những lĩnh vực nóng như bất động sản, dự án BOT giao thông, chứng khoán. Việc ồ ạt giảm lãi suất ngắn hạn, đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn thời gian gần đây của nhiều ngân hàng, theo các chuyên gia, là để thực hiện mục đích này.
NHNN cần tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tỷ lệ vốn trung, dài hạn cho vay lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Đinh Quang Tuấn
NHNN cần tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tỷ lệ vốn trung, dài hạn cho vay lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Nguy cơ có thật

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho thấy, tăng trưởng tín dụng quý I/2018 so với cuối năm 2017 là 3,5%, thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2017 là 4,3%. Đáng chú ý, tín dụng trung, dài hạn đang có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm nay. Cụ thể, quý I/2018, tín dụng trung, dài hạn tăng đến 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng thấp hơn, ở mức 2,6%. Theo đó, tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn đã tăng từ mức 52,8% vào cuối năm 2017 lên 53,2% tính đến thời điểm cuối tháng 3/2018, tương đương mức tăng hơn 3,58 triệu tỷ đồng.

Theo NFSC, nhu cầu vốn trung, dài hạn chủ yếu đến từ các hoạt động như cho vay dự án đầu tư tài sản cố định, đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, vay mua nhà hoặc vay tiêu dùng… Nếu nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn này rót vào các dự án đầu tư tài sản cố định sẽ là dấu hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn kế tiếp. Ngược lại, nếu như nguồn vốn này phục vụ cho các chủ đầu tư bất động sản thực hiện các dự án mới, hoặc cho vay cá nhân mua nhà thì sẽ là tín hiệu đáng lo ngại.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng với lĩnh vực xây dựng đầu năm 2018 tăng gần gấp đôi các lĩnh vực khác. Với “nghi án” ẩn nấp trong tín dụng xây dựng và tín dụng tiêu dùng, khả năng tiền từ ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực rủi ro như địa ốc, chứng khoán là có thật. 

Thận trọng với tín dụng bất động sản

Tín dụng với lĩnh vực xây dựng đầu năm 2018 tăng gần gấp đôi các lĩnh vực khác. Với “nghi án” ẩn nấp trong tín dụng xây dựng và tín dụng tiêu dùng, khả năng tiền từ ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực rủi ro như địa ốc, chứng khoán là có thật.
Trước diễn biến thực tế của thị trường, NFSC cho rằng, mặc dù đầu năm nay, NHNN đã cảnh báo về tín dụng bất động sản, chứng khoán, giao thông, song đây có thể chỉ là sự cảnh báo thường xuyên, vì đến thời điểm này NHNN chưa ban hành thêm quy định cụ thể nào về siết chặt tín dụng vào các lĩnh vực này. Tuy nhiên thực tế ghi nhận, một lượng vốn không nhỏ từ ngân hàng vẫn đang được bơm vào bất động sản và các dự án kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, nếu không có giải pháp kiểm soát, dòng tiền được bơm ra mạnh vào 6 tháng cuối năm có thể sẽ chảy sang các kênh đầu tư “nóng”. Nhất là khi đang có tình trạng các ngân hàng “lách” tín dụng bất động sản, đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng.

Thống kê của NHNN cho thấy, các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở chiếm tới 50% tổng tín dụng cho vay tiêu dùng. Với các khoản vay này, các ngân hàng không trực tiếp cho doanh nghiệp bất động sản vay, mà chuyển sang cho người tiêu dùng vay mua nhà hoặc cho vay tài trợ vật liệu xây dựng. “Nếu không bóc tách các khoản vay này, tín dụng bất động sản dễ bị đẩy lên cao, dẫn đến nguy cơ bong bóng nhà đất”, NSFC cảnh báo.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, mặc dù cho vay bất động sản đang bị siết lại thông qua các chính sách của NHNN, nhưng lĩnh vực này chắc chắn vẫn hút vốn nhiều. Bên cạnh đó, tín dụng cho vay để xây dựng tạo ra bất động sản, hoặc liên quan đến bất động sản cũng chiếm khối lượng rất lớn.

“Các ngân hàng luôn rất mặn mà cho vay bất động sản vì có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất có thể cao hơn cho vay sản xuất kinh doanh, nhất là né sang cho vay tiêu dùng. Do đó, chỉ cần có cơ hội, các ngân hàng sẽ cho vay nhiều đối với bất động sản. Khi có quá nhiều tiền chảy vào lĩnh vực này sẽ đẩy giá bất động sản tăng, gây nguy cơ bong bóng”, ông Hiếu lý giải thực tế tín dụng vào bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua.

Để kiểm soát tín dụng không chảy vào các lĩnh vực nóng, ông Hiếu cho rằng, NHNN cần tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tỷ lệ vốn trung, dài hạn cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, các khoản tín dụng cho vay dự án BT và BOT ngành giao thông. Kiên quyết chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro tín dụng, bảo đảm cân đối nguồn vốn, tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tín dụng trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT giao thông…

Chuyên đề