Rào cản nào làm chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN?

(BĐT) - Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, song tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang rất chậm, còn vấn đề chất lượng đang gây ra ít nhiều tranh cãi.
Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực viễn thông, dầu khí… rất chậm. Ảnh: Hoàng Hà
Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực viễn thông, dầu khí… rất chậm. Ảnh: Hoàng Hà

Vì sao nhiều “ông lớn” vẫn đủng đỉnh chưa  cổ phần hóa?

Tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết: “Phải CPH DNNN một cách mạnh mẽ để có nguồn lực cho tăng trưởng”. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác, kiểm tra, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác CPH, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý kịp thời.

Nhìn lại tiến độ CPH DNNN thời gian qua, số liệu của Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước sắp xếp được 558 DNNN, trong đó, CPH 478 đơn vị, đạt 93% kế hoạch. Hiện tại số lượng DN CPH trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa được công bố cụ thể. “Số lượng thì tương đối tốt, song chất lượng CPH vẫn còn có ý kiến khác nhau”, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ cho ý kiến.

Đồng quan điểm này, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Tạ Đình Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia nhìn nhận: “Đúng là chất lượng CPH còn rất hạn chế, những DNNN thực hiện CPH thành công đều là những DN bé. Đến nay, các “ông lớn” như các doanh nghiệp viễn thông, dầu khí… chưa CPH được”.

Được biết, Đề án CPH Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã được đề cập từ lâu, song hiện thông tin về hoạt động này vẫn bị “bưng bít”.

“Vậy rào cản nào đang gây tắc tiến độ CPH DNNN hiện nay?”, ông Tạ Đình Xuyên cho rằng, có rất nhiều lý do khiến CPH “tắc”. Thứ nhất là mấy năm trước đây, DNNN đầu tư ra ngoài ngành rất nhiều và hiện vẫn đang trong lộ trình thoái vốn, song còn rất nhiều “ông lớn” vẫn chưa thoái được. Thứ hai là bản thân DNNN còn rất nhiều khoản nợ phải trả nhưng chưa xử lý được. Thêm vào đó, vấn đề định giá DNNN cũng như độ sẵn sàng của bộ máy trong công tác này vẫn có những điều đáng bàn. “Mỗi thứ chỉ cần lệch ra một chút dẫn tới tiến độ CPH chậm đi ngay lập tức”, ông Xuyên nói.

Tại cuộc Đối thoại chính sách với chủ đề “Những khó khăn, thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức cuối tuần qua, đại diện cơ quan này không khỏi ái ngại khi đề cập lý do là nhiều “ông lớn” vẫn không muốn buông miếng ngon vào tay người khác. Chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đã được đề cập từ lâu, song hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Một trong những lý do có thể kể đến là một số cơ quan quản lý không muốn chuyển giao quyền quản lý DN “của mình” cho một cơ quan khác.

Cần công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp

Chất lượng CPH còn rất hạn chế, những DNNN thực hiện CPH thành công đều là những DN bé. Đến nay, các “ông lớn” như các doanh nghiệp viễn thông, dầu khí… chưa CPH được.
Tuy ủng hộ việc cần thiết đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN, song nhiều chuyên gia kinh tế liên tục khuyến cáo, chúng ta không nên chạy đua theo số lượng mà CPH một cách ào ào, mà cần chú trọng đến hiệu quả.

Một vấn đề lo ngại khác trong công tác CPH DNNN cũng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận đó là nhiều DNNN khi tiến hành thoái vốn đã định giá phần vốn nhà nước quá thấp, khi đưa ra bán công khai đã thu về giá trị lớn hơn rất nhiều, có trường hợp gấp ba, bốn chục lần. Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Du lịch Kim Liên (giá trị sổ sách 31 tỷ đồng, bán được 1.000 tỷ đồng, gấp 32 lần), Công ty CP Du lịch Đồ Sơn (giá trị sổ sách 4,5 tỷ đồng, bán được 155 tỷ đồng, gấp 34 lần)…

Nhắc lại câu chuyện CPH của Hãng phim truyện Việt Nam, khi định giá tài sản thì giá trị quyền sử dụng cả ngàn mét vuông đất của đơn vị này đã không được tính, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, CPH mà không định giá đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan và qua đó việc thất thoát tài sản là không loại trừ. “Phải chăng đây là kẽ hở đang tồn tại trong quy định của pháp luật về hoạt động này?”- một chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi.

Chuyên đề