Giai đoạn 2016 - 2020, trong tổng nhu cầu đầu tư gần 324 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng giao thông của TP.HCM, hình thức PPP chiếm tới 38,9%. Ảnh: Hoài Đức |
Đi đôi với đó, cần thực hiện tốt công khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án trọng điểm đầu tư để giới thiệu, kêu gọi các thành phần khác nhau đầu tư.
BT: Phức tạp xác định giá trị đất
Theo UBND TP.HCM, có nhiều hình thức hợp đồng PPP khác nhau để nhà đầu tư lựa chọn, nhưng nhà đầu tư, các sở ngành quản lý có xu hướng đề xuất hay kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Trong khi thực trạng Thành phố hiện nay không có đủ quỹ đất phục vụ mục đích xã hội hóa cũng như thiếu kinh phí thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Điều này dẫn đến khó khăn khi thực hiện huy động vốn đầu tư hạ tầng theo hình thức BT.
Về mặt pháp lý, UBND TP.HCM cho biết, việc thực hiện dự án BT chịu ảnh hưởng của nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và rất nhiều nghị định, quyết định, thông tư, nghị quyết có liên quan. Nếu áp dụng đồng thời các khung pháp lý có thể dẫn đến phức tạp, rắc rối, phát sinh thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nhưng nếu không áp dụng, có thể dẫn đến tình trạng trái luật, rủi ro về mặt pháp lý cho cả cơ quan tham mưu và nhà đầu tư.
Về thanh toán dự án BT, khó khăn của TP.HCM cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, đó là giá đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng luôn biến đổi theo cơ chế giá thị trường và chưa có quy định phương thức xác định giá trị đối với các tài sản kết cấu hạ tầng. Từ đó, có thể phát sinh rủi ro trong việc xác định giá trị khi đàm phán hợp đồng BT, việc xác định giá đất mang tính ổn định làm cơ sở đàm phán hợp đồng BT là rất khó khăn. Trên thực tế là không thể định giá chính xác vì phụ thuộc vào yếu tố thị trường.
Ngoài ra, đối với những đô thị phát triển có giá trị bất động sản cao như TP.HCM còn phát sinh khó khăn khi một khu đất thanh toán BT được nhiều nhà đầu tư thực hiện nhiều dự án khác nhau đề xuất đối ứng, dẫn đến khó khăn trong công tác phân bổ. Ngoài ra, nếu thực hiện dự án BT chỉ định nhà đầu tư, giá đất của quỹ đất thanh toán do phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá có thể thấp hơn giá thị trường do không được thị trường quyết định.
BOT: Giảm sức hút nhà đầu tư
Trong khi BT sẽ đối diện nhiều khó khăn, thì hình thức hợp đồng BOT thời gian tới với TP.HCM cũng có nhiều chông gai.
Theo Sở GTVT TP.HCM, kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 trong tổng số nhu cầu đầu tư gần 324 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, nguồn vốn cần kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP chiếm tới 38,9%, tương đương 126.005 tỷ đồng. Tuy nhiên, với Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, các dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BOT cần phải nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư phù hợp khác. Ngoài ra, qua triển khai đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua cho thấy hình thức đầu tư này còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác tính giá, phí làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và hiệu quả đầu tư.
Trong một số trường hợp, Sở GTVT TP.HCM cho biết, để bảo đảm doanh thu hoàn vốn đầu tư của dự án (tính khả thi của dự án), cần đảm bảo lưu lượng phương tiện như dự báo. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư để thực hiện các tuyến giao thông kết nối, các khu quy hoạch, các đô thị vệ tinh thường chậm so với kế hoạch làm ảnh hưởng doanh thu, giảm sức hút nhà đầu tư. Các dự án giao thông trong Thành phố thường có cự ly ngắn, gây khó khăn trong việc xem xét vị trí đặt trạm, khoảng cách đặt trạm cũng như phát sinh nhiều trạm phụ do nhiều đường ngang không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Đánh giá cao sự cần thiết của hình thức PPP, UBND TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp gỡ vướng để thúc đẩy đầu tư PPP trong thời gian tới. Trước hết, tận dụng nguồn vốn từ quỹ chuẩn bị dự án đầu tư (PDF) để Nhà nước lập đề xuất dự án, có được dự án tốt và tổ chức đấu thầu công khai, cạnh tranh, minh bạch thực sự. TP.HCM cũng kỳ vọng hệ thống pháp luật về PPP hoàn thiện và đủ mạnh, có thể tháo gỡ được các vướng mắc về chồng chéo trong khung pháp lý hiện hành đối với dự án PPP.
Với BT, sẽ đa dạng hóa phương thức thanh toán theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP, tuy nhiên phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Để hạn chế nguy cơ thất thoát, cần quản lý sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch sau khi giao đất thanh toán dự án BT làm thay đổi giá trị quỹ đất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng.