Rót vốn cho cảng biển để “đón sóng”

(BĐT) - Hàng hóa thông qua các cảng biển có thể cầu vượt cung trong những năm tới từ tác động của TPP và các hiệp định thương mại tự do. Đây là thời cơ để doanh nghiệp (DN) Việt Nam có tiềm lực mạnh rót vốn đầu tư vào khai thác cảng biển và logistics.
Hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8 - 9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía Bắc. Ảnh Internet
Hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8 - 9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía Bắc. Ảnh Internet

Tối ưu hạ tầng logistics

Ông Nestor Sherbey, chuyên gia tư vấn của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) cho biết, hoạt động của logistics đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thuận lợi hoá thương mại ở Việt Nam. Tuy nhiên, do chi phí logictics ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới, bằng 35% GDP, nên tính cạnh tranh về chi phí của các DN hoạt động trong lĩnh vực bị giảm đi đáng kể. Tỷ lệ này ở Mỹ, châu Âu và phần còn lại của thế giới chỉ lần lượt tương ứng là 9%, 13% và 15%.

Thống kê năm 2015 cho thấy, tổng chi phí vận chuyển, lưu kho bãi, thủ tục hải quan và các công việc giấy tờ khác ở Việt Nam lên tới 37 - 40 tỷ USD. Con số này vượt quá cả tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2014.

Chính vì vậy, theo ông Nestor Sherbey, việc xác định các đầu tư tối ưu về hạ tầng logistics là rất cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đối với cả hàng hoá xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi hàng hoá luôn “sẵn sàng trong kho”. Điều này mang đến cơ hội mới để ưu tiên đầu tư vào các trung tâm logistics tích hợp.

Theo báo cáo vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ngành logistics và dịch vụ cảng biển được dự đoán là sẽ hưởng lợi từ TPP nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ khi TPP được thông qua.

Báo cáo này cho biết, hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8 - 9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía Bắc. 

Đầu tư đón đầu cơ hội

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG), hiện đang chiếm 50% thị phần khai thác cảng container trong nước, cho biết, đang có những sự đầu tư cần thiết thời gian gần đây để đón đầu cơ hội mà TPP mang lại.

Ngành logistics và dịch vụ cảng biển được dự đoán là sẽ hưởng lợi từ TPP nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ khi TPP được thông qua.
Theo ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng giám đốc TCSG, trong tháng 5/2016, TCSG sẽ khởi công xây dựng Dự án xây dựng Cảng container quốc tế Hải Phòng. Đây là dự án cảng container nước sâu đầu tiên tại khu vực miền Bắc nhằm phục vụ tối ưu cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Còn tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, dù không phải là DN chuyên về khai thác cảng biển, nhưng mới đây Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) và các đối tác đã quyết định rót số vốn lớn để đầu tư mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải (tỉnh Quảng Nam). Mục đích chính là nhằm lập tuyến vận tải biển trực tiếp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc về Chu Lai để Thaco giảm giá thành vận chuyển, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực logistics cho miền Trung.

Theo giới chuyên gia, khu vực miền Trung đã được định hướng sẽ phát triển thành một trung tâm kinh tế biển mạnh và là cầu nối quan trọng để trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây.

Vào tháng 3/2016 vừa qua, cũng chính TCSG đã đầu tư, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng nước sâu Tân Cảng - Petro Cam Ranh và đưa vào hoạt động nhằm kết nối chặt chẽ với chuỗi cung ứng dịch vụ cảng biển, logistics và vận tải biển nội địa ở khu vực Nam Trung Bộ.

Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gần đây, phía TCSG đã tiên phong phát triển hệ thống 8 cảng trực thuộc và liên kết trong khu vực. Các cảng này đều nằm ở các vị trí kế cận các khu công nghiệp trọng điểm và tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong quá trình xuất, nhập hàng hóa.

Ông Trần Khánh Hoàng nhận định, cốt lõi của logistics là vấn đề tối ưu hóa để kết nối đầu cuối với chi phí thấp nhất. Vì vậy, phía TCSG đang triển khai các phương án kết nối hệ thống 16 cảng, 6 ICD và depot với gần 5.000m cầu tàu, 190 ha bãi container và 550.000m2 kho hàng trên khắp các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Thông qua đó tạo dựng những gói giải pháp logistics nhằm hỗ trợ DN Việt Nam tận dụng được những lợi ích mà TPP mang lại.

Chuyên đề