Chưa xong dự án, nhà đầu tư BOT không thể chuyển nhượng

(BĐT) - Câu chuyện “thay ruột” doanh nghiệp dự án đã từng xảy ra ở nhiều dự án BOT dẫn đến những rủi ro đối với chất lượng, tiến độ công trình. 
Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ gắn trách nhiệm của nhà đầu tư trúng thầu với chất lượng công trình. Ảnh: Tường Lâm
Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ gắn trách nhiệm của nhà đầu tư trúng thầu với chất lượng công trình. Ảnh: Tường Lâm

Với những quy định mới tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (NĐ 63/2018), nhà đầu tư khi tham gia và trúng thầu dự án PPP nói chung, BOT nói riêng sẽ phải gắn trách nhiệm đến khi hoàn thành công trình.

Thực tế có nhiều dự án BOT chưa hoàn thành, thậm chí chưa được thực hiện, nhưng việc mua bán cổ phần trong doanh nghiệp dự án diễn ra rất sôi động. Nhiều trường hợp sau nhiều lần mua đi bán lại như vậy, dự án vẫn án binh bất động, còn doanh nghiệp dự án thì gần như đã “thay ruột”, đồng nghĩa dự án đã đổi chủ.

Dự án BOT Quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu là một điển hình về lùm xùm trong chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp dự án là Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC). Sau nhiều lần chuyển nhượng, Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thái Ninh - nhà đầu tư không hề tham dự thầu ban đầu - đã trở thành một cổ đông lớn của doanh nghiệp dự án. Dư luận đã đặt ra câu hỏi, có hay không việc Thái Ninh mượn danh nghĩa của các nhà đầu tư có đủ điều kiện để sau quá trình chuyển nhượng trở thành chủ thực sự của dự án BOT này?

Dự án khác là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nhiều lần phải cơ cấu lại thành viên góp vốn vì các cổ đông rút vốn hoặc chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp dự án ở thời điểm dự án gần như chưa thi công.

Dù động cơ chuyển nhượng là gì, thì việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng dự án của các nhà đầu tư ban đầu cũng có thể dẫn đến những rủi ro cho dự án. Việc ký kết hợp đồng xuất phát từ đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư ban đầu. Nếu việc chuyển nhượng không được giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến việc nhà đầu tư được chuyển nhượng về sau không đủ năng lực, hoặc gây ra những xáo trộn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, chất lượng dự án.

Để khắc phục tình trạng này, NĐ 63/2018 đã quy định nhà đầu tư chỉ có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký kết cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng, hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

Đồng thời, NĐ 63/2018 quy định rõ những yêu cầu cần đáp ứng của bên nhận chuyển nhượng như có năng lực tài chính và quản lý để thực hiện hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan; cam kết tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng theo quy định tại hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan; các yêu cầu khác theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án, hợp đồng vay và thỏa thuận có liên quan giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Trường hợp chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án làm thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp dự án thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Quy định mới này sẽ gắn trách nhiệm của nhà đầu tư trúng thầu với chất lượng công trình và tránh việc chuyển đổi nhà đầu tư ngay sau khi đấu thầu, chặn kẽ hở có thể phát sinh việc chuyển nhượng, mượn danh để mua bán dự án BOT nói riêng và dự án PPP nói chung.

Chuyên đề