Tiết kiệm gần 480 tỷ đồng qua đấu thầu thuốc tập trung

(BĐT) - Tháng 7/2017, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) thí điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017. 
Kết quả lớn nhất thông qua đấu thầu thuốc tập trung là đã khẳng định đây là một chủ trương đúng và trúng của Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả lớn nhất thông qua đấu thầu thuốc tập trung là đã khẳng định đây là một chủ trương đúng và trúng của Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả đạt được từ cuộc đấu thầu này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, là rất lớn, từng bước nâng cao cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, tạo điều kiện cho quản lý chất lượng và hiệu quả.

Không chỉ lợi về kinh tế

Tại Hội nghị triển khai kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017 diễn ra ngày 11/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong thời gian qua, những đổi mới trong các quy định về đấu thầu thuốc đã từng bước nâng cao chất lượng công tác này. Đặc biệt là trong lần đầu tiên triển khai mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 - 2019. Theo đánh giá ban đầu, quá trình tổ chức đấu thầu được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Kết quả đã lựa chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).

Về hiệu quả kinh tế, tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được hơn 477 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 17% so với kế hoạch. Trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, đến nay, Trung tâm đã ký thỏa thuận khung với nhà thầu trúng thầu.

Thông tin rõ hơn về kết quả đạt được, trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia cho biết: “Thông qua đấu thầu thuốc tập trung, các gói thầu đều có tỷ lệ tiết kiệm khá ấn tượng. Trong đó, riêng thuốc biệt dược tiết kiệm được 114 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm 6,9% so với kế hoạch; thuốc generic tiết kiệm được 362,7 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 33% so với kế hoạch”.  Bà Ngọc Bảo nói thêm: “Từ trước đến nay, chưa có đơn vị nào tổ chức đấu thầu thuốc biệt dược mà giảm được một đồng nào, nhưng qua lần đấu thầu tập trung này đã tiết kiệm đến 6,9%. Đây là con số nhỏ nhưng rất có ý nghĩa”.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, theo bà Ngọc Bảo, kết quả lớn nhất thông qua đấu thầu thuốc tập trung lần này đã khẳng định đây là một chủ trương đúng và trúng của Chính phủ. Hơn nữa, qua đấu thầu tập trung, các dược sỹ có thêm thời gian để củng cố chuyên môn; đồng thời có thời gian góp ý, hướng dẫn các bác sỹ trong việc kê đơn thuốc chuẩn xác. 

Mở rộng Danh mục đấu thầu thuốc tập trung quốc gia

Tháng 7/2017, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu cung cấp thuốc với 5 hoạt chất gồm: Gói 1 “5 mặt hàng thuốc biệt dược”; Gói 2 “17 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh miền Bắc (trừ vùng Trung du và miền núi phía Bắc); Gói 3 “13 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc”; Gói 4 “17 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”; Gói 5 “16 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh miền Nam”. Các gói thầu này được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, xét theo mặt hàng, phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Thời gian thực hiện thỏa thuận khung là 1/1/2018 - 31/12/2019 theo hợp đồng đơn giá cố định.
Mặc dù khẳng định đấu thầu thuốc tập trung là chủ trương đúng, trúng và mang lại hiệu quả kinh tế, song trong quá trình tổ chức đấu thầu, bà Ngọc Bảo cho biết cũng gặp phải một số khó khăn. Theo bà Ngọc Bảo, khó khăn lớn nhất là xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở y tế trên toàn quốc để đưa ra được danh mục thuốc tốt hơn từ việc đưa ra tiên lượng tốt về tình hình dịch tễ bệnh, tiên lượng thuốc năm tới. Bên cạnh đó, gần như các dược sỹ tham gia công tác lập kế hoạch đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế vẫn chưa được đào tạo. Đại diện Sở Y tế TP. Hà Nội cũng nêu thêm khó khăn là, trong Danh mục thuốc đấu thầu tập trung có một số hoạt chất ít đơn vị dùng, số lượng ít (vài trăm nghìn đồng), vì thế nhà thầu không ký hợp đồng hoặc không cung ứng…

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, việc công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia mới là đi được 1/3 chặng đường. Để đạt được mục tiêu đặt ra, hướng tới cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân, ông Sơn cho rằng không chỉ phụ thuộc vào Trung tâm, mà còn phụ thuộc rất nhiều các nhà thầu, việc sử dụng của các đơn vị khám chữa bệnh.

Nhằm tiếp tục quản lý giá thuốc, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn quỹ bảo hiểm y tế, ông Tuấn khẳng định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về đấu thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia. Theo đó, ông Tuấn lưu ý 3 nội dung chủ yếu nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Cụ thể là trên cơ sở kết quả đạt được từ lần tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia lần này, Trung tâm tiếp tục tổ chức đấu thầu với các mặt hàng thuốc được Bộ Y tế thống nhất mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá, góp phần vào các giải pháp chung của Bộ Y tế để tiếp tục quản lý tốt giá thuốc theo chỉ đạo. Thứ hai là mở rộng Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia theo nguyên tắc và tiêu chí đã được Bộ Y tế quy định tại Phụ lục 5 Thông tư 10/2016/TT-BYT của Bộ Y tế như: thuốc thuộc chương trình, dự án quốc gia; thuốc điều trị các bệnh không truyền nhiễm… Thứ ba là trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký, các cơ sở khám chữa bệnh triển khai ký hợp đồng cụ thể đối với các nhà cung ứng theo hướng dẫn. Trong quá trình triển khai, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng thuốc và chất lượng thuốc; kịp thời phản ánh đến trung tâm và Bộ Y tế những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư