Xử lý bất cập trong đấu thầu thuốc

(BĐT) - Tại một văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc bảo hiểm y tế do BHXHVN tổ chức thực hiện. 
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định có sự khác biệt đáng kể về giá thuốc trúng thầu giữa các địa phương. Ảnh: Nhã Chi
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định có sự khác biệt đáng kể về giá thuốc trúng thầu giữa các địa phương. Ảnh: Nhã Chi

Đáng chú ý là cơ quan này cho biết có nhiều bất cập trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế (VTYT) và đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề này.

Nhiều bất cập

Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ giao BHXHVN tổ chức thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu. Việc tổ chức đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT là chính sách mới quan trọng của Chính phủ trong tiết giảm chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao tính bền vững của Quỹ BHXH.

Trong báo cáo mới đây liên quan đến việc tổ chức thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT, BHXHVN đã nêu những bất cập mà đơn vị này phát hiện qua quá trình tham gia giám sát thực hiện đấu thầu thuốc và mua sắm VTYT thời gian qua. BHXHVN khẳng định có sự khác biệt đáng kể về giá thuốc trúng thầu giữa các địa phương. Đặc biệt, giá thuốc do doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh của chính địa phương lại cao hơn giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác. Một số địa phương bị “nêu danh” về tình trạng này như Bình Định, Phú Yên,…

BHXHVN cũng cho rằng, việc đấu thầu mua sắm VTYT còn hình thức, có nhiều hội đồng thực hiện không đúng quy định. Theo đó, việc xây dựng giá kế hoạch các mặt hàng căn cứ báo giá của một số nhà cung cấp tại địa phương rồi sử dụng chứng thư thẩm định giá mà không tham khảo giá trúng thầu các mặt hàng cùng chủng loại cùng thời điểm tại các đơn vị, địa phương khác, giá thẩm định bằng giá đề xuất. BHXHVN cũng cho biết có tình trạng nêu cụ thể xuất xứ, ghi tên thương mại của sản phẩm, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật VTYT như đối với thuốc, yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm không phù hợp,… làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, thậm chí chỉ định thầu.

Ngoài ra, có tình trạng giá VTYT cao và chênh lệch lớn giữa các địa phương. Đơn cử, loại Stent động mạch vành phủ thuốc biomin của hãng Meril Ấn Độ trúng thầu ở Bệnh viện Quân y 103 là 37 triệu đồng/cái trong khi ở Phú Thọ lên đến 58,6 triệu đồng/cái.

Cũng theo BHXHVN, một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu thầu thuốc là năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư. Những hạn chế về năng lực, kinh nghiệm này là vấn đề đáng quan tâm, bởi có những gói thầu có quy mô quá lớn, trong đó mỗi loại thuốc ước tính giá trị mua sắm lên tới 300 - 500 tỷ đồng, phạm vi cung cấp thuốc rất rộng, đến toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước (khoảng 2.500 cơ sở) và nhà thầu có thể phải cung cấp nhiều đợt trong tháng để đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị, không để xảy ra thiếu thuốc.

Kiến nghị quy định cụ thể việc sử dụng giá trúng thầu trung bình

BHXHVN cho biết, thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP, đơn vị này đã có quyết định giao Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc thực hiện nhiệm vụ là đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thuốc lĩnh vực BHYT.

BHXHVN cũng cho biết sẽ tổ chức thực hiện và hoàn thành quy trình đấu thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và ký thỏa thuận khung trước ngày 30/11/2017. Các cơ sở khám chữa bệnh sẽ hoàn thành việc thương thảo hợp đồng và ký hợp đồng trước 31/12/2017. Từ 1/1/2018 sẽ thực hiện mua sắm theo kết quả lựa chọn nhà thầu.

Liên quan đến việc triển khai đấu thầu thuốc nêu trên, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, BHXHVN đã kiến nghị tiếp tục cho phép BHXHVN triển khai thí điểm và mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc BHYT năm 2018.

Theo đó, trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng thuốc năm 2016 và kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2016, 2017, BHXHVN tiếp tục đề nghị Bộ Y tế bổ sung Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXHVN thực hiện đối với 20 thuốc của 9 hoạt chất. Cùng với đó, BHXHVN cũng kiến nghị để BHXHVN lựa chọn danh mục đấu thầu thuốc tập trung gồm cả các thuốc ít số đăng ký lưu hành nhằm đảm bảo thuốc được kiểm soát giá để có cơ sở kịp thời triển khai theo đúng kế hoạch, lộ trình.

Đồng thời, kiến nghị cho phép BHXH các địa phương tạm ứng kinh phí mua thuốc của các cơ sở khám, chữa bệnh để trả các công ty trúng thầu trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm hợp đồng.

Đặc biệt, BHXHVN kiến nghị Chính phủ quy định cụ thể hơn về việc sử dụng giá trúng thầu trung bình đã được BHXHVN công khai theo Luật Đấu thầu. Trường hợp xây dựng giá kế hoạch không hợp lý thì các hội đồng đấu thầu phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá kế hoạch. Trường hợp xây dựng giá kế hoạch cao dẫn đến giá trúng thầu cao bất hợp lý thì Quỹ BHYT chỉ chấp nhận thanh toán theo giá thuốc trúng thầu trung bình.

Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc đấu thầu VTYT tại các địa phương có giá trúng thầu VTYT cao bất hợp lý. Đối với các loại VTYT có giá trúng thầu cao bất hợp lý, thương thảo với các nhà thầu để giảm giá về mức hợp lý gần với giá trúng thầu của địa phương có giá thấp nhất mà BHXHVN đã cập nhật, thông báo trên cổng thông tin điện tử.

Chuyên đề