Cảnh báo giả mạo HSDT nhìn từ vụ VN Pharma

(BĐT) - Công ty CP VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư. Nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tuyên 12 năm tù. Vậy đường đi của H-Capita 500 mg trong quá trình đấu thầu thuốc tại TP.HCM diễn ra như thế nào?
Các hành vi giả mạo hồ sơ mà cáo trạng vụ án VN Pharma đề cập là hồi chuông cảnh tỉnh tình trạng giả mạo hồ sơ trong đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi
Các hành vi giả mạo hồ sơ mà cáo trạng vụ án VN Pharma đề cập là hồi chuông cảnh tỉnh tình trạng giả mạo hồ sơ trong đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

VN Pharma trúng thầu  thế nào?

Theo hồ sơ, năm 2014 VN Pharma trúng thầu tại Sở Y tế TP.HCM với 64 mặt hàng, trị giá 476 tỷ đồng, chủ yếu là thuốc sản xuất trong nước. Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý dược thuộc Sở Y tế TP.HCM cho biết, 2014 là năm đầu tiên Sở Y tế TP.HCM đấu thầu tập trung cho toàn bộ thuốc cung cấp cho các bệnh viện của Thành phố. Đây cũng là lần duy nhất Công ty VN Pharma tham gia đấu thầu tại TP.HCM.

Trong đợt đấu thầu thuốc năm 2014, Sở Y tế TP.HCM đưa ra giá kế hoạch cho hoạt chất capecitabine 500 mg trị ung thư là 66.000 đồng. Phòng Quản lý dược thuộc Sở Y tế TP.HCM cho biết, năm 2014, Công ty CP VN Pharma tham gia đấu thầu tại TP.HCM và trúng thầu thuốc H-Capita 500mg với số lượng 471.275 viên (tổng giá trị trên 14,6 tỷ đồng). Đối với thuốc H-Capita, VN Pharma chào giá 31.000 đồng, thấp nhất trong các nhà thầu cung cấp thuốc capecitabine năm ấy, nên thắng các đối thủ và trở thành nhà cung cấp.

"Trong hồ sơ dự thầu (HSDT) năm 2014 từ VN Pharma, thuốc H-Capita của nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc. Canada, Sở nhận được các giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành sản phẩm đều có đóng dấu của Cục Quản lý dược theo đúng quy định", ông Dũng cho biết.

Thuốc H-Capita sau khi trúng thầu vừa nhập về Việt Nam, Bộ Y tế xác định lô thuốc này "không rõ nguồn gốc, không đủ các điều kiện sử dụng cho người" nên đã niêm phong, cấm lưu hành ra thị trường. Sở Y tế TP.HCM quyết định hủy kết quả trúng thầu đó.

Bên cạnh đó, có ba mặt hàng của Công ty VN Pharma trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy là H-Capita caplet, H2K-Ciprofloxacin 400mg và H-Epra 40mg có nhà sản xuất được ghi nhận là Helix Pharmaceuticals Inc.. Trong đó, H-Capita caplet có số lượng trúng thầu 100.000 viên. Đây là thuốc chưa có số đăng ký, được nhập chuyến theo giấy phép của Cục Quản lý dược; H2K-Ciprofloxacin 400mg trúng thầu 5.000 lọ; thuốc H-Epra 40mg (nhập chuyến) trúng thầu 30.000 lọ. Tổng trị giá ba thuốc này trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy là hơn 6,9 tỷ đồng.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng có 5 loại thuốc của Helix Pharmaceuticals Inc. Canada sản xuất trúng thầu vào Bệnh viện là: H-Capita caplet trúng thầu 15.000 viên; H2K-Ciprofloxacin 400mg trúng thầu 6.000 lọ; thuốc H-Epra 40mg trúng thầu 15.000 lọ; thuốc H-Lastapen trúng thầu 2.000 lọ; và H2K-Levofloxacin 750mg trúng thầu 1.500 lọ. Tổng trị giá tiền thuốc trúng thầu của 5 loại này vào Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố là 3,365 tỉ đồng.

Tất cả số thuốc này đều được hai bệnh viện khẳng định chưa được sử dụng do đã bị hủy kết quả lựa chọn nhà thầu. 

Tăng cường ngăn chặn giả mạo

Cáo trạng vụ án VN Pharma được công bố đã cho thấy hành vi gian lận khi tham gia đấu thầu của VN Pharma là rất tinh vi. Ngoài H-Capita nêu trên còn có hai mặt hàng thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin, có nhãn mác do Health 2000 Canada sản xuất, được VN Pharma nhập khẩu và phân phối nhưng đến nay vẫn chưa được Cơ quan an ninh điều tra làm rõ. Thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin do Health 2000 Canada sản xuất có tên giống thuốc H2K-Levofloxacin (số đăng ký VN-17879-14) và H2K-Ciprofloxacin (số đăng ký VN-17877-14) của nhà sản xuất là Helix Pharmaceuticals Inc., bị Cục Quản lý dược ra quyết định rút số đăng ký ngày 19/9/2014 vì cung cấp hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng với thực tế sản xuất.

Các hành vi giả mạo hồ sơ mà cáo trạng vụ án VN Pharma đề cập là những lát cắt phản ánh tình trạng giả mạo hồ sơ trong đấu thầu đang ngày càng trở nên nhức nhối. Tất cả các hành vi giả mạo của nhà thầu trong đấu thầu đều rất tinh vi. Nếu không có sự tỉnh táo, xác minh thông tin từ bên mời thầu/chủ đầu tư thì rất dễ bị qua mặt.

Đã có nhiều trường hợp, để xác minh tính xác thực của hàng hóa, nhân sự trong HSDT của nhà thầu, bên mời thầu đã cử đoàn công tác làm rõ, liên hệ với các chủ đầu tư khác, thậm chí rất nhiều đơn vị đã chủ động gửi email đến tận chính hãng để có được câu trả lời. Trong câu chuyện của VN Pharama, dù đấu thầu và trúng thầu nhiều nơi với giá rẻ bất thường, đã không có chủ đầu tư nào thực hiện các bước xác minh nguồn gốc của thuốc H-Capita từ nhà sản xuất tại Canada, trừ cơ quan điều tra.

 “Trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự nghi ngờ về tính trung thực của hồ sơ hàng hóa, nhân sự mà nhà thầu kê khai trong HSDT, chủ đầu tư đều có quyền sử dụng tất cả các kênh thông tin để đối chiếu, dẫn chứng, so sánh. Đó không chỉ là quyền của một đơn vị được giao tổ chức đấu thầu, mà là trách nhiệm với từng đồng vốn ngân sách, với người sử dụng, đặc biệt là với người bệnh trong trường hợp hàng hóa đấu thầu ở đây là thuốc”, chuyên gia Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Chuyên đề