Bảo hiểm xã hội “nội soi” đấu thầu thuốc

(BĐT) - Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã và đang tham gia sâu, thể hiện được vai trò của đơn vị chi trả kinh phí cũng như giám sát các kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) trong đấu thầu thuốc. Việc bảo lưu quan điểm của cơ quan BHXH ở nhiều địa phương đã giúp dư luận có thể “nội soi” giá trúng thầu các mặt hàng thuốc hiện nay.
Việc các cơ quan bảo hiểm xã hội thời gian qua có quan điểm khác với cơ quan y tế trong đấu thầu thuốc đã giúp dư luận có thể “nội soi” giá thuốc trong đấu thầu. Ảnh: Tường Lâm
Việc các cơ quan bảo hiểm xã hội thời gian qua có quan điểm khác với cơ quan y tế trong đấu thầu thuốc đã giúp dư luận có thể “nội soi” giá thuốc trong đấu thầu. Ảnh: Tường Lâm

Rõ quan điểm từ nhiều khâu

Cuộc họp giữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông với Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh này vào ngày 25/7/2017 đã chứng minh cho thực tế hiện nay, công tác đấu thầu thuốc đang được cơ quan bảo hiểm tham gia rất sâu sát.

Theo đó, nhiều độ vênh trong khâu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) mua thuốc của Bà Rịa - Vũng Tàu được chỉ ra chủ yếu do các thành viên tham gia cũng như thành viên thẩm định của Hội đồng mua sắm thuốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu là Sở Y tế và BHXH đang có quan điểm khác nhau. Theo báo cáo của Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, trị giá gói thầu mua thuốc, vắc xin năm 2017 - 2018 cao hơn so với năm 2016 - 2017 vì nhiều lý do: đa số các đơn vị đều tăng tỉ lệ bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú, một số đơn vị triển khai thêm các khoa, phòng mới như khoa ung thư, phòng khám tim mạch, phòng khám nội thần kinh,…

Trong khi đó, quá trình lập KHLCNT đã có sự điều chỉnh nhiều lần dựa trên ý kiến các thành viên tham gia và thành viên thẩm định của hai đơn vị BHXH tỉnh và Sở Y tế. Trong đó, các điều chỉnh này chủ yếu tập trung vào giảm số lượng và chuyển nhóm thuốc có tiêu chí kỹ thuật cao xuống nhóm thuốc có tiêu chí kỹ thuật thấp hơn nhằm giảm tổng giá trị gói thầu, phù hợp với nguồn quỹ bảo hiểm y tế…

Theo BHXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, độ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ khoảng 83%, tương đương có khoảng 17% bệnh nhân không có thẻ BHYT. Trong khi đó, Sở Y tế dự kiến gói thầu thuốc cho bệnh nhân có thẻ BHYT năm 2017 - 2018 là 612 tỷ đồng, còn số tiền thu BHYT chỉ đạt khoảng 393 tỷ đồng. Do đó, số tiền chi khám chữa bệnh cho bệnh nhân vượt khoảng 35% là không phù hợp. BHXH Tỉnh yêu cầu phải tăng lên khoảng 64% nếu Sở Y tế không đồng ý phương án giảm số lượng thuốc và chuyển nhóm thuốc có tiêu chí kỹ thuật cao xuống nhóm thuốc có tiêu chí kỹ thuật thấp hơn.

Liên quan đến quan điểm của BHXH trong các cuộc đấu thầu thuốc, mới đây, BHXH tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Bình Định thương lượng lại với nhà thầu giá thuốc vì có đến 126 mặt hàng qua rà soát cao hơn từ 10% đến 40% so với các địa phương khác. Quan điểm của BHXH Bình Định được đánh giá là khá quyết liệt. 

Phát huy vai trò thành viên của Hội đồng đấu thầu thuốc

Theo Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, trị giá gói thầu mua thuốc, vắc xin năm 2017 - 2018 cao hơn so với năm 2016 - 2017 vì nhiều lý do: đa số các đơn vị đều tăng tỉ lệ bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú, một số đơn vị triển khai thêm các khoa, phòng mới như khoa ung thư, phòng khám tim mạch...
Thực hiện quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 77 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, BHXH Việt Nam có trách nhiệm công khai giá từng loại thuốc trúng thầu trung bình được thanh toán từ nguồn quỹ BHYT. BHXH đã đăng tải công khai giá thuốc trung bình trên website của Ngành.

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2016/TT-BYT, khi mua thuốc từ nguồn quỹ BHYT, cơ quan BHXH sẽ tham gia 6 khâu của quá trình đấu thầu và tham gia điều tiết thuốc gồm: Xây dựng KHLCNT; thẩm định KHLCNT; xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); thẩm định HSMT, HSYC; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (HSĐX); thẩm định KQLCNT; tham gia điều tiết việc thực hiện thỏa thuận khung của các cơ sở khám chữa bệnh đối với đấu thầu tập trung cấp địa phương, đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá thuốc.

Để thống nhất việc tham khảo giá thuốc trúng thầu trung bình trong quá trình thực hiện xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc chữa bệnh và quản lý, thanh toán chi phí thuốc theo chế độ BHYT, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã ký Công văn 5271/BHXH-DVT về công khai giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2016. Theo đó, đối với các thuốc có giá trúng thầu cao bất hợp lý, đề nghị phối hợp với Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh rà soát lại toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu để xác định nguyên nhân của việc giá thuốc bất thường trúng thầu. Trường hợp phát hiện trong quá trình tổ chức đấu thầu có đưa các nội dung (ghi thông tin về dạng bào chế, quy cách đóng gói, năng lực, kinh nghiệm nhà thầu...) nhằm hạn chế sự tham dự của các mặt hàng thuốc hoặc các nhà thầu tham dự dẫn đến giá trúng thầu cao, đề nghị chủ đầu tư thực hiện thương thảo giá với nhà thầu để điều chỉnh giá thuốc về mặt bằng chung.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế thuộc BHXH Việt Nam, đại đa số BHXH các tỉnh, thành phố tham gia đầy đủ các công đoạn trong đấu thầu. Riêng BHXH Việt Nam cũng cử cán bộ trực tiếp tham gia thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc của các bệnh viện trung ương thuộc Bộ Y tế. Việc tham gia sâu hơn của BHXH đã có nhiều tác động để góp phần loại bỏ, khắc phục nhiều bất hợp lý trong KHLCNT của các cơ sở y tế. BHXH cũng có ý kiến để điều chỉnh một số bất hợp lý đối với các thuốc có chi phí lớn.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cơ quan BHXH tham gia vào quá trình đấu thầu thuốc với tư cách là một thành viên của Hội đồng. Trong khi đó, chi phí tiền thuốc hiện nay đang chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí y tế. Thì việc quản lý cung ứng, sử dụng, thanh toán chi phí thuốc có vai trò hết sức quan trọng nhằm đảm bảo quyền của người dân được sử dụng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và an toàn, phù hợp với khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Chuyên đề