3 phương án “nghìn tỷ” di dời các bộ ngành: Đấu giá trụ sở cũ phải minh bạch!

Tại cuộc họp báo quý I của Bộ Xây dựng tổ chức chiều 9/4, PV Dân trí đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng cho ý kiến về đề xuất các phương án di chuyển trụ sở 12 bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội. Câu hỏi được chuyển cho Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Trần Thu Hằng…
Lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì cuộc họp báo quý I chiều 9/4.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì cuộc họp báo quý I chiều 9/4.

Bà Hằng cho biết, 3 phương án về việc di dời trụ sở các bộ, ngành được VIUP đưa ra mới đây được xem là kết quả nghiên cứu, đề xuất của một đơn vị tư vấn. Báo cáo này sẽ được Bộ Xây dựng xem xét trên căn cứ đảm bảo sự đồng thuận của các bộ ngành, đảm bảo tính khả thi mới triển khai thực thiện.

“Cho đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ chưa có ý kiến chính thức nào về vấn đề này” – bà Hằng thông tin.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc nhấn mạnh, nhiệm vụ di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Địa điểm di dời, quy mô di dời được quyết định là tại khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây.

Về vấn đề dư luận đặt ra là phương án tài chính huy động từ việc khai thác quỹ đất cũ của các trụ sở bộ ngành tại nội đô có sự khác nhau giữa 3 phương án, theo phương án cao nhất cũng chỉ đến gần 7.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, bà Hằng giải thích, phương án tài chính cho việc di dời 12 bộ ngành thì phải cân nhắc dựa trên các nguồn lực, trong đó có nguồn cân đối từ ngân sách, nguồn từ việc đấu giá những khu đất cũ của các cơ quan. Bà Hằng khẳng định vấn đề này sẽ được Bộ xem xét, tính toán, cân nhắc cẩn trọng. Những con số đưa ra trong báo cáo của VUIP mới chỉ là số tham mưu, đề xuất.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cũng nhấn mạnh, khi đã xác định chức năng sử dụng đất tại các vị trí để đưa ra đấu giá thì việc đấu giá phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch theo quy định của luật đất đai; đảm bảo lợi ích của nhà nước, của xã hội. Còn việc thay đổi giá trị đất qua các phương án đề xuất thì liên quan đến quy mô đấu giá đất. Nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ trong trường hợp này là phương án chốt lại phải được các bộ, ngành đồng thuận.

Ngoài ra, việc thực hiện và tổ chức thực hiện việc di dời trụ sở các bộ, ngành cần đánh giá cụ thể về lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi khi di dời.

Trước đó, cuối tháng 3/2019, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Báo cáo được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Xây dựng diễn ra cuối tháng 2.

Theo báo cáo của VIUP, việc đưa 12 bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây, mức tài chính đòi hỏi là thấp nhất, gần 12.000 tỷ đồng. Nếu hướng di dời là về khu Mễ Trì, phương án tài chính cần hơn 14.000 tỷ đồng. Phương án 3, phân chia các Bộ, ngành về cả 2 khu vực này, phương án tài chính dự kiến là 17.000 tỷ đồng…

“Chấm điểm” 3 phương án, cơ quan tham mưu nêu rõ, với phương án này đưa 12 bộ, ngành về khu Tây Hồ Tây, nhu cầu tài chính khoảng 11.897 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỷ đồng.

Ưu điểm của phương án này là khu vực Tây Hồ Tây có vị trí cảnh quan đẹp, bối cảnh hạ tầng đô thị khu vực phát triển hiện đại, có nhiều cơ sở hạ tầng hỗ trợ và kết nối thuận lợi với trung tâm Ba Đình. Nhược điểm của phương án này là sẽ tiếp tục khó khăn vì chưa xác định được quỹ đất thu hồi của tháp truyền hình Việt Nam.

Phương án thứ hai, chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì, nhu cầu tài chính khoảng 14.326 tỷ đồng, nguồn vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỷ đồng.

Cơ quan nghiên cứu đánh giá ưu điểm của phương án này là khu vực Mễ Trì có diện tích đủ lớn để bố trí cho các bộ, ngành. Nhược điểm là khu vực này có vị trí và cảnh quan không đẹp bằng khu Tây Hồ Tây; hạ tầng khu vực hiện đang quá tải nghiêm trọng, việc tập trung quá nhiều cơ quan và số người làm việc có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông khu vực; việc chuyển đổi đất ở Tây Hồ Tây sang thương mại, dịch vụ cần có ý kiến đồng thuận của các cơ quan liên quan.

Phương án thứ ba sẽ bố trí 13 cơ quan nói trên tại hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan. Theo phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần nhu cầu tài chính 17.000 tỉ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Ưu điểm của phương án này là có diện tích đất lớn cho các bộ ngành, không gây áp lực tới hạ tầng khu vực bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan. Nhược điểm là khó khăn về bố trí nguồn lực nhà nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư