Tổng kết và chuyển giao đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp

(BĐT) - Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp là phương thức huy động và điều phối nguồn lực rất hiệu quả cho phát triển ngành lâm nghiệp trong suốt 15 năm qua. Điều này thể hiện ở con số ODA cam kết cho ngành lâm nghiệp luôn đạt từ 17 - 20% vốn ngân sách của ngành.
Trong 15 năm qua, diện tích rừng đã không ngừng tăng lên, từ 10,6 triệu ha vào năm 2000 lên 13,9 triệu ha vào năm 2014. Ảnh: Tất Tiên
Trong 15 năm qua, diện tích rừng đã không ngừng tăng lên, từ 10,6 triệu ha vào năm 2000 lên 13,9 triệu ha vào năm 2014. Ảnh: Tất Tiên

Ngày 15/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị tổng kết và chuyển giao đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp.

Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) đã hoạt động trong 15 năm vừa qua do GIZ tài trợ, tiền thân là đối tác hỗ trợ cho Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, lấy mục tiêu huy động và điều phối nguồn viện trợ quốc tế cho ngành lâm nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong 15 năm qua, diện tích rừng đã không ngừng tăng lên, từ 10,6 triệu ha vào năm 2000 khi chúng ta bắt đầu thực hiện Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, lên 13,9 triệu ha vào năm 2014 (bình quân tăng 220.000 ha/năm). Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã chuyển mạnh mẽ từ nền lâm nghiệp do Nhà nước quản lý là chính sang một nền lâm nghiệp xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ngành lâm nghiệp luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao trong suốt thập kỷ qua. Năm 2014, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7%. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản tăng gần 12 lần trong 15 năm qua, từ 500 triệu USD vào những năm 2000 lên 6,2 tỷ USD vào năm 2014.

Tại Hội nghị, các chuyên gia lâm nghiệp đã khẳng định, trong quá trình hoạt động của mình, FSSP đã có cách làm sáng tạo, tạo ra diễn đàn mở cho tất cả các bên quan tâm đến ngành lâm nghiệp.

Bà Kirsten Hegener – Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên thiên nhiên của GIZ đã cho biết, Chính phủ Đức là một trong những đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam đầu tiên. GIZ luôn phối hợp với các đối tác, kể cả Nhà nước, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Kể từ năm 2011, đối tác lâm nghiệp đã có những cải tổ rất linh hoạt để tăng cường năng lực, đáp ứng yêu cầu mới của ngành.

Đại diện Bộ NN&PTNT đã nhấn mạnh, FSSP trong suốt 15 năm qua đã hoàn thành trọng trách của mình đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam. Trong 5 năm tới, FSSP sẽ chuyển sang hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp xây dựng và thực hiện Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam hài hòa cả 3 mục tiêu: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và an sinh xã hội.   

Chuyên đề