Nhiều gói thầu tại Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - Khoản vay bổ sung, do Ban QLDA Thủy lợi Bình Định mời thầu có tỷ lệ tiết kiệm trên 30%. Ảnh: Gia Khoa |
Kết quả là sự tham gia của các nhà thầu gia tăng đáng kể, giá trúng thầu nhiều gói thầu giảm đến hơn 30% giá gói thầu.
Những chuyển động tích cực
Theo thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu, trong vòng 1 năm qua, đã có 12 kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thuộc Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - Khoản vay bổ sung do Ban QLDA Thủy lợi Bình Định mời thầu được công khai. Nhiều gói thầu xây lắp của Dự án được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gần đây có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu rộng rãi khá ấn tượng, trung bình giảm hơn 30% so với giá gói thầu.
Chẳng hạn, Lô thầu số 02: Xây dựng mới đập dâng Chín Sào; Sửa chữa nâng cấp đường thi công kết hợp quản lý; Kiên cố kênh và công trình trên kênh hạ lưu đập; Kênh hữu đập dâng; Kênh tả đập dâng; Kênh N2-Kênh tả thuộc Gói thầu: Bình Định-04-XL: Sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước Mỹ Thuận (Xây lắp, phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên, bảo hiểm công trình), có giá trúng thầu là hơn 7.283 triệu đồng. Trong khi đó, giá gói thầu là 10.008 triệu đồng, chênh lệch giảm 2.725 triệu đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm hơn 27%.
Tương tự, Lô thầu số 01: Nâng cấp công trình đầu mối: Đập đất, tràn xã lũ và cống lấy nước thuộc Gói thầu: Bình Định-04-XL: Sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước Mỹ Thuận, có giá trúng thầu là hơn 21.829 triệu đồng. Trong khi đó, giá gói thầu là hơn 33.024 triệu đồng, chênh lệch giảm 11.195 triệu đồng, tương đương đạt tỷ lệ tiết kiệm 34%.
Tiếp đến là Lô 1: Nâng cấp công trình đầu mối: Đập đất, tràn xả lũ và cống lấy nước thuộc Gói thầu Bình Định-03-XL: Sửa chữa nâng cấp hồ chứa Hội Khánh, có giá trúng thầu là gần 11.134 triệu đồng. Trong khi đó, giá gói thầu là gần 17.393 triệu đồng, chênh lệch giảm 6.259 triệu đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 36%…
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, sau khi xảy ra việc cướp HSDT ở Bình Định, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu đã được siết lại chặt chẽ hơn, giảm thiểu sự can thiệp của các bên vào quá trình lựa chọn nhà thầu. Đối với tỉnh Bình Định, tất cả các gói thầu còn lại của dự án này đều được phát hành HSMT ở 2 địa điểm: tại Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Hà Nội) và tại Ban QLDA Thủy lợi Bình Định. Chính vì thế, số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu đã tăng lên rất nhiều, tính cạnh tranh của mỗi cuộc thầu rất cao, nên tỷ lệ chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá gói thầu lớn, có những gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm trên 30%. Đây là những chuyển động tích cực và rõ nét nhất trong công tác đấu thầu ở Ban QLDA Thủy lợi Bình Định.
Cần quản lý chặt chẽ hợp đồng sau đấu thầu
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu về quy trình giám sát các gói thầu sử dụng nguồn vốn của ADB tại Việt Nam, bà Trương Thị Minh Huệ - cán bộ phụ trách dự án khu vực miền Trung của ADB cho biết, đối với mỗi gói thầu ADB đều áp dụng quy trình xem xét trước hoặc xem xét sau việc tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thông thường, ADB sẽ tiến hành xem xét trước 1 gói thầu của địa phương từ việc xây dựng, phê duyệt HSMT, quá trình lựa chọn nhà thầu…, có mục đích là “làm mẫu quy trình”, hướng dẫn địa phương cách thức tổ chức các gói thầu tiếp theo. Còn đa số gói thầu còn lại đều là xem xét sau, nghĩa là chỉ thẩm tra kết quả lựa chọn nhà thầu của địa phương (thư phản đối hoặc không phản đối…). Việc chấn chỉnh công tác đấu thầu nhiều gói thầu tại Ban QLDA Thủy lợi Bình Định thời gian qua đã đem đến tỷ lệ tiết kiệm cao, cán bộ của ADB cũng ghi nhận và hoan nghênh những kết quả và chuyển biến tích cực trong đấu thầu tại Ban QLDA Thủy lợi Bình Định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, việc tiết kiệm lớn qua đấu thầu nhiều gói thầu tại Ban QLDA Thủy lợi Bình Định là rất tốt, rất đáng ghi nhận, thể hiện tính cạnh tranh cao của các gói thầu được đấu thầu rộng rãi, công khai và minh bạch. Tuy nhiên, do tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu lớn (hơn 30%) nên quá trình quản lý và giám sát thực hiện hợp đồng sau đấu thầu phải được tiến hành chặt chẽ, sâu sát để các công trình đảm bảo được tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, tránh để xảy ra tình trạng nhà thầu bỏ giá thấp nhưng khi triển khai hợp đồng lại bị chậm, không đáp ứng chất lượng công trình.