Cướp HSDT trước cổng Ban QLDA Thủy lợi Bình Định: Ai cản trở nhà thầu bằng “luật rừng”?

(BĐT) - Trong số báo trước, Báo Đấu thầu đã phản ánh việc 5 nhà thầu bị một nhóm người sử dụng bạo lực và cướp mất hồ sơ dự thầu (HSDT) một cách trắng trợn ngay trước cổng Ban QLDA Thủy lợi Bình Định...
Theo phản ánh của các nhà thầu, có khoảng 10 đối tượng chờ sẵn trước cổng bên mời thầu, dùng bạo lực cướp hồ sơ dự thầu của 5 nhà thầu rồi lên những chiếc xe máy chờ sẵn và bỏ chạy. Ảnh do nhà thầu cung cấp
Theo phản ánh của các nhà thầu, có khoảng 10 đối tượng chờ sẵn trước cổng bên mời thầu, dùng bạo lực cướp hồ sơ dự thầu của 5 nhà thầu rồi lên những chiếc xe máy chờ sẵn và bỏ chạy. Ảnh do nhà thầu cung cấp

Những tập giấy hồ sơ không có giá trị về mặt kinh tế, vì vậy chỉ có thể lý giải hành động cướp HSDT nhằm mục đích tước đoạt quyền tham dự và cơ hội trúng thầu tại Gói thầu: Xây dựng mới cầu Trường Cửu từ K4+289-K4+454 (xây lắp, phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên, bảo hiểm công trình) của các nhà thầu. Ai đứng sau những đối tượng này?

Nhà thầu mất gì khi bị cướp HSDT?

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Tổng công ty Xây dựng đường thủy – CTCP (Vinawaco) – một trong 5 nhà thầu bị cướp HSDT sáng ngày 20/6 cho biết, để có thể tham gia đấu thầu gói thầu này, nhà thầu đã phải lặn lội từ Hà Nội vào tận Bình Định, ăn chực nằm chờ để mua được hồ sơ mời thầu (HSMT), sau đó trong quá trình làm HSDT, nhà thầu đã phải làm rõ HSMT với Bên mời thầu. Công sức, chi phí đi lại cho việc làm HSDT là rất lớn, đã bị đổ xuống sông, xuống biển khi HSDT bị cướp. Chưa hết, nhà thầu đứng trước nguy cơ mất 450 triệu đồng ghi trong bảo lãnh dự thầu của ngân hàng theo yêu cầu của HSMT gói thầu. “Cái mất lớn nhất của nhà thầu khi bị cướp HSDT là mất lòng tin đối với công tác đấu thầu vì sự cạnh tranh không lành mạnh bằng “luật rừng” trong đấu thầu trên địa bàn tỉnh Bình Định” - đại diện Vinawaco bức xúc.

Liên quan đến “nhà thầu bị hại” trong vụ cướp HSDT trên, đại diện Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An cho biết, mặc dù nhà thầu này may mắn giữ được HSDT nhưng khi nộp cho Ban QLDA Thủy lợi Bình Định thì Bên mời thầu không nhận vì lý do nộp muộn so với thời điểm đóng thầu là 7h sáng ngày 20/6/2016 (lúc đó khoảng 7h10 sáng, trong khi lúc 7h thì cửa phòng của Ban QLDA Thủy lợi Bình Định vẫn chưa mở). Một nhà thầu khác cũng bị từ chối tiếp nhận HSDT với lý do tương tự. “Chúng tôi rất bức xúc về sự việc này vì đã mất nhiều công sức để tham dự thầu nhưng không nộp được HSDT. Chúng tôi còn bị cướp điện thoại và bị đe dọa vì trong điện thoại đã ghi lại diễn biến vụ cướp HSDT. Thực tế cho thấy, cuộc thầu này đã bị biến dạng, không còn bản chất của một gói thầu được đấu thầu rộng rãi và minh bạch nữa. Chúng tôi mong mỏi Báo Đấu thầu, các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng thực sự “vào cuộc” để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những nhà thầu chân chính”, đại diện Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An bày tỏ.

Ai đứng sau vụ cướp HSDT?

Gói thầu Bình Định 05-XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu từ K4+289-K4+454 (xây lắp, phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên, bảo hiểm công trình), dự án thành phần Công trình phục vụ nông thôn mới Nhơn Thọ - Nhơn Khánh thuộc dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung. Dự án này sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Thời gian phát hành HSMT từ 14h 30 ngày 20/5/2016 đến 7h ngày 20/6/2016 (trong giờ hành chính), thời điểm đóng thầu là 7h ngày 20/6/2016, thời điểm mở thầu là 7h 30 cùng ngày, bảo đảm dự thầu là 450 triệu đồng, giá bán HSMT là 2 triệu đồng.

Trong công văn gửi Báo Đấu thầu, Tổng công ty Xây dựng đường thủy – CTCP (Vinawaco) cho biết: Trước khi diễn ra vụ cướp HSDT khoảng 3 đến 4 ngày đã có cuộc điện thoại từ số máy 0945.679.679 gọi trực tiếp vào số máy của Tổng giám đốc Vinawaco yêu cầu Vinawaco không được tham gia dự thầu gói thầu nêu trên.

Ông Vũ Minh Phúc, Công ty CP Xây dựng công trình 1 – nhà thầu đầu tiên bị cướp HSDT trong sự việc này cho rằng, phải có một thế lực nào đấy đứng đằng sau để chỉ đạo, dàn dựng và tổ chức việc cướp HSDT của các nhà thầu sáng ngày 20/6 vừa qua. Một điều rất đơn giản rằng, nếu việc cướp HSDT này là mâu thuẫn cá nhân ở bên ngoài của nhà thầu thì chỉ một nhà thầu bị cướp HSDT thôi. Đằng này, có tới 5 nhà thầu bị cướp HSDT, đồng thời các đối tượng côn đồ còn đe dọa những nhà thầu khác và việc cướp HSDT được chuẩn bị và tính toán công phu, kỹ lưỡng. Nếu các cơ quan chức năng không làm rõ việc cướp HSDT thầu này thì sẽ tạo tiền lệ rất xấu về sau trong công tác đấu thầu.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng – chuyên gia uy tín về đấu thầu, việc cướp HSDT như Báo Đấu thầu phản ánh là có dấu hiệu “thủ tiêu việc đấu thầu cạnh tranh, minh bạch”. Đây là hành động cản trở sự tham gia đấu thầu của các nhà thầu, hạn chế nhà thầu nộp HSDT. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ sự việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu, từ đó rút ra những bài học để sự việc không lặp lại.

Luật sư Hà Trọng Đại, Công ty Luật The Light (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: xung quanh việc các nhà thầu bị cướp HSDT tại Bình Định như Báo Đấu thầu phản ánh có nhiều tình tiết cần được cơ quan chức năng vào cuộc sớm làm rõ. Một là, ai đứng đằng sau việc dàn xếp việc này? Vì sao 5 công ty đến nộp mà lại bị cướp giữa “thanh thiên, bạch nhật” táo tợn đến như vậy? Hai là, cần làm sáng tỏ mục đích về mặt kinh tế khi vào một thời gian gần như trùng nhau lại xảy ra cả với 5 doanh nghiệp tham gia dự thầu. Điều tra làm rõ nguyên nhân, mục đích hành vi "cướp" HSDT cũng là để khẳng định lại quy trình và mức độ tuân thủ quy định về đấu thầu đối với đơn vị tổ chức đấu thầu.

“Tôi cho rằng, đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt tìm ra ai đứng phía sau vụ việc này nhằm củng cố niềm tin của các nhà thầu, doanh nghiệp khi tham gia vào các cuộc đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng nội dung, tinh thần của pháp luật về đấu thầu. Đối với các nhà thầu, nếu đúng có hành vi cướp HSDT thì nên có đơn xin hoãn tổ chức buổi đấu thầu. Thiệt hại xảy ra đối với mỗi nhà thầu là tương đối rõ ràng và các nhà thầu có quyền khiếu nại đến các cơ quan chức năng can thiệp nhằm bảo vệ lợi ích của mình” - Luật sư Hà Trọng Đại nhấn mạnh.

Một số nhà thầu cho biết, ngay sau  khi xảy ra sự việc đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, họ nghi ngại sự minh bạch, khách quan của các cơ quan này trong quá trình làm rõ sự việc bởi nghi vấn gói thầu đấu thầu rộng rãi nhưng chỉ ưu tiên cho DN “sân nhà”. Liệu sự việc nghiêm trọng này có bị chìm xuồng?

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo tiếp theo.

Chuyên đề