Thị trường M&A Việt Nam: Lĩnh vực nào được nhà đầu tư săn đón?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong làn sóng dịch chuyển hoạt động sản xuất của nhiều tập đoàn đa quốc gia nhằm đa dạng hóa nguồn cung, Việt Nam được xem là một lựa chọn hoàn hảo. Trong đó, mua bán và sáp nhập (M&A) trở thành kênh ưu tiên đối với nhà đầu tư nước ngoài khi xây dựng hoạt động tại Việt Nam.
Năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ là một trong những lĩnh vực M&A sôi động thời gian tới. Ảnh: Tiên Giang

Năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ là một trong những lĩnh vực M&A sôi động thời gian tới. Ảnh: Tiên Giang

Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Gregory Bournet, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp PwC Việt Nam, về thực trạng và xu hướng M&A trong thời gian tới.

Tiến sĩ Gregory Bournet

Tiến sĩ Gregory Bournet

Nhiều nhận định cho rằng, bối cảnh nền kinh tế khó khăn tạo cơ hội cho hoạt động M&A doanh nghiệp. Từ thực tế quan sát của PwC, xin ông chia sẻ một số nét tổng quan về hoạt động M&A trong thời gian gần đây, những thương vụ nào đáng chú ý?

Năm 2023 là một năm sôi động đối với thị trường M&A tại Việt Nam. Đã có 59 thương vụ được ghi nhận theo Mergermarket từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, với tổng giá trị lên tới 2,6 tỷ USD. Có một số thương vụ đáng chú ý như ESR Group Limited mua lại cổ phần chiến lược BW Industrial với tổng giá trị 450 triệu USD, KKR Global Impact đầu tư vào EQuest với số tiền 120 triệu USD hay DB Insurance mua lại cổ phần của Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI) với số tiền 57 triệu USD…

Gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn là vấn đề các tập đoàn đa quốc gia lo ngại. Các tập đoàn đang tìm giải pháp mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung, chuyển sản xuất sang các nước khác, trong đó Việt Nam được xem là một lựa chọn hoàn hảo. Vì vậy, trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng về tiềm năng phát triển kinh tế và là một điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư trong khu vực.

Hoạt động M&A chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, thưa ông?

Trong năm 2023, thị trường M&A tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục phát triển bền vững, nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư chiến lược và các quỹ đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư chiến lược đến từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đang ráo riết tham gia vào lĩnh vực M&A tại Việt Nam nhằm gia tăng thị phần và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Động lực chính cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc M&A là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và môi trường đầu tư ổn định tại Việt Nam.

Trong khi M&A trở thành kênh ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nội địa trong những năm gần đây cũng xem M&A là một cách để mở rộng kinh doanh và tăng trưởng nhanh chóng. Các biến động kinh tế vĩ mô đã dẫn đến nhu cầu M&A tăng cao đối với các công ty địa phương, có thể là để tái cấu trúc, tối ưu hóa vốn và tài sản, hoặc huy động vốn để duy trì hoạt động kinh doanh hoặc thúc đẩy mở rộng doanh nghiệp.

Giao dịch sáp nhập và mua lại trong ngành bất động sản rất có thể tập trung chủ yếu vào các tài sản đang hoạt động

Giao dịch sáp nhập và mua lại trong ngành bất động sản rất có thể tập trung chủ yếu vào các tài sản đang hoạt động

Trong 2 năm gần đây, doanh nghiệp bất động sản (BĐS), dự án BĐS được coi là tâm điểm khó khăn của nền kinh tế. BĐS có phải là ngành được quan tâm đặc biệt trong các thương vụ M&A, và nếu có thì phân khúc nào là đối tượng được quan tâm chính, thưa ông?

Trong những năm gần đây, trước khi những khó khăn xảy ra, ngành BĐS đã luôn đóng góp phần lớn tổng khối lượng giao dịch M&A. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng về số lượng các giao dịch bán cấp bách gần đây và chúng tôi dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo. Phần lớn các mục tiêu đang được rao bán đều có hồ sơ pháp lý tương đối vững vàng.

Ngành BĐS luôn phụ thuộc vào tính pháp lý và khả năng được cấp phép, đặc biệt là với loại hình nhà ở. Do vậy, giao dịch sáp nhập và mua lại trong ngành BĐS rất có thể tập trung chủ yếu vào các tài sản đang hoạt động, bao gồm các BĐS thương mại, công nghiệp, khách sạn và năng lượng tái tạo. Vì những tài sản này thường có dòng tiền khai thác ổn định, việc tìm kiếm người mua và thực hiện thẩm định không mất quá nhiều thời gian. Bên bán gấp nên ưu tiên những tài sản này vì họ cần nguồn tiền mặt nhanh chóng để có thể khắc phục tình hình tài chính.

Xin ông chia sẻ một số dự báo về làn sóng M&A trong thời gian tới? Lĩnh vực nào sẽ là tâm điểm của thị trường M&A?

Ngoài BĐS, những ngành then chốt như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng và bán lẻ sẽ tiếp tục có những hoạt động M&A sôi động nhất nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Với dân số đông, trẻ và đang gia tăng cùng thu nhập của các gia đình và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cao cho các nhà đầu tư ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ trong những năm tới.

Bên cạnh đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu đến 100% vốn điều lệ của các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm, từ đó sẽ thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành bảo hiểm. Ngoài ra, với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, ngành tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể từ nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) của Chính phủ Việt Nam, ngành năng lượng tái tạo và nông nghiệp được dự đoán sẽ là những lĩnh vực M&A sôi động tiếp theo do mối quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư tới các yếu tố ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Quy hoạch điện VIII được công bố gần đây cùng với cam kết Net Zero của Chính phủ cho thấy tiềm năng lớn trong đầu tư vào năng lượng tái tạo và các lĩnh vực quan trọng khác mà Chính phủ muốn thúc đẩy, chẳng hạn phát triển lưới điện, xe điện...

Chuyên đề