Ảnh Internet |
Những hạn chế, vướng mắc hiện tại
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc triển khai thực hiện chủ trương và pháp luật về đổi mới mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước diễn ra hết sức chậm chạp, thậm chí không phù hợp với quy định pháp luật.
Hiện nay, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại DN theo mô hình quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012. So với các nguyên tắc và yêu cầu quản trị hiện đại, mô hình này bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như: Chưa tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước, có nguy cơ xung đột lợi ích, thiên về hướng có lợi cho DNNN. Quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN chưa được thực hiện tập trung và thống nhất, vừa làm giảm hiệu lực quản lý, vừa không rõ trách nhiệm giải trình. Việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước chưa chuyên trách, chưa chuyên nghiệp, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của các quyết định chủ sở hữu... Chưa kể, theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách DN thuộc CIEM, việc phân chia chức năng chủ sở hữu cho nhiều cơ quan còn dẫn tới khó xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính đối với những vụ việc sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước trong thời gian qua.
Mặt khác, theo ông Trung, công tác giám sát DNNN và giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN còn nhiều bất cập. Việc phân tán chủ thể quản lý và giám sát DNNN dẫn tới thiếu một cơ sở dữ liệu thông tin cập nhật và đầy đủ về thực tiễn quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Do đó, rất khó để biết được chính xác hiệu quả, giá trị so sánh, giá trị thị trường của khu vực DNNN nói chung và từng DN nói riêng cũng như dòng vốn chủ sở hữu nhà nước đang vận hành trong nền kinh tế. “Đây cũng là rào cản đối với công chúng và thị trường trong việc tham gia giám sát và đánh giá mức độ hiệu lực và hiệu quả sử dụng vốn và tài sản công tại DN”, ông Trung phân tích thêm.
Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng từng thừa nhận, thực tế có quá nhiều bộ, ngành đang cùng tham gia quản lý DNNN, gây khó khăn cho DN. “DN phải báo cáo về nhân sự với Bộ Nội vụ, về tiền lương với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về chuyên môn với bộ chủ quản, về tài chính với Bộ Tài chính, về chiến lược, kế hoạch phát triển với Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Đông nêu thực trạng.
Đổi mới khung quản trị DNNN
Giải quyết những bất cập nêu trên, tại dự thảo Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập “Ủy ban Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN", là cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo dự thảo Đề án, cơ quan chuyên trách được thành lập sẽ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN; các bộ quản lý ngành thực hiện quyền quản lý, giám sát nhà nước. Đặc biệt, với những vướng mắc về khung quản trị DNNN nêu trên, dự thảo Đề án hướng tới khung quản trị theo thông lệ quốc tế đảm bảo khối DN này hoạt động theo cơ chế thị trường hơn, hiệu quả hơn; chấm dứt việc xem xét giải quyết các biện pháp hỗ trợ DNNN bất hợp lý, mang tính phân biệt đối xử, trái với nguyên tắc thị trường; chấm dứt các hình thức hoán đổi, chuyển giao hoặc chỉ đạo xóa nợ giữa các DNNN…
Đáng chú ý, dự thảo Đề án nhấn mạnh việc cải thiện cơ bản tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của DNNN. Bên cạnh đó, đổi mới công tác quản lý, điều hành DNNN thông qua việc thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, rủi ro, xung đột lợi ích, lợi ích nhóm…