Nguồn lực của trung ương phải tập trung đầu tư những công trình lớn, quan trọng, có tính liên kết vùng, tác động lan tỏa. Ảnh: Tường Lâm |
Tuy nhiên, vẫn phải chú trọng vai trò “gác cổng”, tổng hợp, quản lý chung, tăng cường hậu kiểm để bảo đảm hiệu quả đầu tư công.
Phân cấp mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư công đến thời điểm này đã khắc phục được nhiều bất cập lớn trong quản lý đầu tư công là dàn trải, thất thoát, lãng phí, nợ đọng… Tuy nhiên, khi thiết kế Luật nhắm đến mục tiêu chính là kiểm soát nguồn vốn đầu tư công chặt chẽ nhất thì có thể dẫn đến thủ tục, quy trình chặt chẽ, phức tạp hơn.
Bộ KH&ĐT đã rà soát đâu là vướng mắc do Luật, đâu là do thực thi. Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT về tình hình xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp ý kiến của 87 cơ quan trung ương và địa phương (gồm 37 bộ, ngành trung ương và 50 địa phương) với 597 ý kiến. Trong tháng 7 vừa qua, Bộ KH&ĐT chủ trì tổ chức hai hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM để lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu thêm các ý kiến đóng góp về các nội dung định hướng sửa đổi.
Một trong những vấn đề được nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị sửa đổi là các quy định liên quan đến việc phân cấp, phân quyền. Một số ý kiến đề nghị phân cấp mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, giao chi tiết và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Nhiều ý kiến góp ý về trình tự, thủ tục, đề nghị đơn giản hóa quy trình thủ tục, đặc biệt là thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án, quy trình thủ tục riêng đặc thù đối với các nguồn vốn khác nhau.
Tiếp thu những ý kiến góp ý, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ sửa đổi nhiều quy định tại Luật Đầu tư công, trong đó chú trọng phân cấp mạnh mẽ hơn. Theo Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Bộ KH&ĐT công bố, quy trình thẩm định nguồn vốn được thay đổi theo hướng Bộ KH&ĐT chỉ chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, dự án quan trọng quốc gia, còn lại phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Cơ chế giao kế hoạch dự kiến đổi mới theo hướng giao tổng mức vốn, còn việc bố trí cụ thể ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tiêu chí, nguyên tắc đã đưa ra; phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch... Quy trình, trình tự thực hiện sẽ được nghiên cứu sửa đổi phù hợp với quy mô và tính chất dự án để tạo thuận lợi hơn trong thực hiện.
Bảo đảm hiệu quả quản lý
Thực tế trong công tác giao kế hoạch vốn năm 2018, Bộ KH&ĐT đã chủ động đề xuất đẩy mạnh phân cấp, đơn giản quy trình. Ngay từ tháng 7/2017, Bộ KH&ĐT đã xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí lập kế hoạch đầu tư công năm 2018 theo hướng đơn giản hóa, tăng quyền chủ động tối đa cho các địa phương. Bộ KH&ĐT chỉ thông báo tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2018, các địa phương chủ động lựa chọn chương trình mục tiêu, danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của từng địa phương nhưng phải bảo đảm theo 4 thứ tự ưu tiên đã quy định.
Tại Hội nghị ngành KH&ĐT diễn ra đầu năm nay, Bộ KH&ĐT cũng đã kiến nghị thay thế việc giao kế hoạch đầu tư công hàng năm từ cấp trung ương bằng việc các địa phương thực hiện quy trình đăng ký kế hoạch. Trên cơ sở kế hoạch trung hạn 5 năm, các địa phương phân bổ và đăng ký kế hoạch hàng năm, Bộ KH&ĐT chỉ làm công tác kiểm tra, giám sát và chuyển trọng tâm sang xây dựng cơ chế chính sách...
Theo nhiều ý kiến góp ý tại Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Đầu tư công diễn ra tại Hà Nội, việc phân cấp mạnh mẽ như tinh thần sửa đổi là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, phân cấp mạnh vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả để khắc phục đầu tư dàn trải, manh mún, và vai trò tham mưu tổng hợp trong quản lý đầu tư công cho Chính phủ của Bộ KH&ĐT cần được phát huy. Nguồn lực của trung ương làm sao phải tập trung đầu tư được cho những công trình lớn, quan trọng, có tính liên kết vùng, tác động lan tỏa.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, phải tăng cường vai trò “gác cổng” trong giai đoạn lên kế hoạch vốn, đối với các dự án lớn cho phép từ chối đưa dự án vào kế hoạch ngân sách nếu dự án không tuân thủ hoặc điều kiện chưa chín muồi. Ngân hàng Thế giới cho rằng, cần tăng cường chức năng phản biện của Bộ KH&ĐT đối với các dự án lớn; củng cố vai trò của Bộ KH&ĐT nhằm chủ trì theo dõi tổng hợp về chương trình đầu tư.