Thị trường bất động sản được dự báo sẽ phát triển trong 6 tháng cuối năm bởi các chính sách mới của Nhà nước. |
Kết thúc năm 2015, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là sẽ phát triển mạnh, khi số lượng căn hộ thành lập và giao dịch thành công tăng khá cao. Tại Hội thảo Triển vọng thị trường bất động sản 2016 diễn ra hồi tháng 3/2016, các chuyên gia bất động sản đều có chung nhận định rằng, thị trường bất động sản 2016 khó có thể đi xuống. Tuy nhiên, hết 5 tháng đầu năm, thị trường có dấu hiệu chững lại bởi sức mua thấp, trong khi nguồn cung lại dồi dào.
Tại Hội nghị Báo cáo Bất động sản Việt Nam năm 2016 diễn ra ở TP.HCM cuối tuần trước, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc siết tín dụng bất động sản là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Thị trường không cân bằng khi phân khúc nhà ở xã hội có nhu cầu ở thực cao lại thiếu dự án, còn những dự án cao cấp bung hàng quá nhiều.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý tưởng rà soát lại tín dụng bất động sản thời điểm này là cần thiết, bởi chỉ trong 2 tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6, thị trường liên tiếp bị “tạt nước lạnh” bởi các chủ đầu tư bị phát hiện mang căn hộ đi cầm cố tại ngân hàng nhiều lần hoặc xây dựng sai phép khiến người dân bị đuổi khỏi căn hộ đã mua. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa nên ngăn luồng tín dụng vào bất động sản, vì thị trường vừa mới nhen nhóm đà tăng đã bị chặn lại ngay thì sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Trái ngược với đánh giá chung về thị trường, nhiều báo cáo quý của các công ty nghiên cứu thị trường như CBRE Việt Nam, Cushman & Wakefiekd Việt Nam… đều cho rằng, thị trường đang tiến triển tốt. Trong đó, báo cáo của CBRE chỉ rõ, về tổng thể, cả thị trường căn hộ khách sạn và thị trường biệt thự nghỉ dưỡng đều có chuyển biến tích cực trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Đặc biệt, các dự án nghỉ dưỡng được quản lý bởi các nhà quản lý nổi tiếng, có chương trình cam kết lợi nhuận cố định hằng năm đang có sức hút với người mua để đầu tư.
Nhìn nhận chung về thị trường 5 tháng, ông Lê Hoàng Châu cũng chỉ ra những tín hiệu tốt. Đó là việc nhiều dự án bất động sản cao cấp tại thị trường TP.HCM như dự án 30.000 tỷ đồng tại Ba Son, hay những dự án chậm triển khai nhiều năm như dự án Sing Việt đã được tái khởi động. “Chúng ta cần ‘những cơn gió lạ’ như vậy và cả ‘cơn gió chính sách mới’ cho tín dụng bất động sản để thổi bỏ sức ỳ của thị trường 5 tháng đầu năm”, ông Châu nói.
Theo ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE châu Á - Thái Bình Dương, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển nhanh hơn so với thị trường các nước trong khu vực. Đặc biệt, giá bất động sản tại Việt Nam chưa cao như tại các nước khác trong khu vực, nên thị trường vẫn có dư địa tốt để phát triển. “Việt Nam ngày càng có nhiều người đa quốc tịch tới sinh sống, làm việc, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa đón nhận dòng tiền đầu tư từ những nhà đầu tư ngoại này”, ông Marc Townsend cho biết.
Hiện tại, thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội đang đối mặt với tình trạng cung cao hơn cầu. Các tòa nhà lớn của TP.HCM và Hà Nội không có căn hộ cao cấp như những thành phố khác trong khu vực. Tuy nhiên, thị trường trong thời gian tới sẽ đón nhận những dự án lớn để bù đắp thiếu sót này.
“Đây được coi như ‘cơn gió lạ’ đẩy cánh cửa khép hờ bao năm nay đối với nhà đầu tư nước ngoài và mời gọi họ vào đầu tư. Đồng thời, đối với thị trường cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp cũng có cơ hội phát triển khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được thực thi. Đây chính là cơ hội lớn nhất của Việt Nam vì các nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài đang dồn về Việt Nam đầu tư và làm việc”, ông Marc Townsend nói.
Theo quan điểm của Cushman & Wakefield Việt Nam về thị trường 6 tháng cuối năm, phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân luôn có nhu cầu giao dịch lớn do tính thanh khoản cao và phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Tuy nhiên tại Việt Nam, phân khúc căn hộ bình dân (có giá dưới 22 triệu đồng/m2) đang có xu hướng kém thu hút hơn, do chất lượng xây dựng cũng như các tiện ích chưa thực sự được chú trọng và việc kết thúc gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng gây hoang mang cho người mua.
“Theo nghiên cứu thị trường của Cushman & Wakefield Việt Nam, tính đến quý I/2016, toàn thị trường Hà Nội chỉ có gần 4.400 căn hộ hạng C, giảm mạnh gần 60% theo năm; TP.HCM có gần 6.000 căn, giảm 30% theo năm”, ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc Bộ phận Định giá và Nghiên cứu của Cushman & Wakefiekd Việt Nam nói và cho rằng, thị trường sẽ phát triển trong 6 tháng cuối năm bởi các chính sách mới của Nhà nước được áp dụng.