Nguồn: Báo cáo tài chính Công ty CP Xi măng Công Thanh. Đơn vị tính: Tỷ đồng |
Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh nguồn cung nội địa cao hơn nhiều so với cầu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại khiến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng kém khả quan. Xi măng Công Thanh cũng không phải là ngoại lệ.
Theo Báo cáo tài chính bán niên 2024, Công ty ghi nhận khoản lỗ 741,7 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6/2024 lên 8.647 tỷ đồng. Điều đáng báo động là doanh thu của Công ty trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 89,5 tỷ đồng, bằng khoảng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, doanh thu bán hàng không đủ bù đắp chi phí giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm hơn 155,5 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của Công ty bắt đầu gặp nhiều khó khăn kể từ năm 2010, lợi nhuận lao dốc khi giá vốn chiếm tỷ lệ ngày càng lớn so với doanh thu, cộng với chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) ngày một cao. Năm 2012, Công ty lỗ 136 tỷ đồng. Trong 3 năm tiếp theo, tình hình kinh doanh cải thiện với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5 tỷ đồng, gần 9 tỷ đồng và hơn 21 tỷ đồng.
Trong suốt giai đoạn 2016 - 2023, Xi măng Công Thanh liên tục thua lỗ. Nguyên nhân chính của khoản lỗ trong năm 2016 là do Công ty đã đưa dây chuyền 2 - Nhà máy Xi măng Công Thanh vào hoạt động. Dây chuyền mới đi vào hoạt động giúp doanh thu của Công ty tăng vọt, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực lớn lên chi phí khấu hao và chi phí lãi vay.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Công ty ở mức 7.320 tỷ đồng. Trong đó, Công ty phát sinh khoản vay gần 4.648 tỷ đồng từ VietinBank (các khoản vay dài hạn có kỳ hạn đến năm 2035) và hơn 2.382,8 tỷ đồng là trái phiếu phát hành cho VietinBank, gồm 4 lô trái phiếu phát hành trong năm 2009 và năm 2010 (có ngày đáo hạn vào tháng 5 và 12/2033). Các khoản vay và phát hành trái phiếu này nhằm mục đích đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh - dây chuyền 2 tại tỉnh Thanh Hóa.
Do kinh doanh khó khăn kéo dài từ nhiều năm nay, Xi măng Công Thanh không thể thanh toán đúng hạn các khoản vay. Tổng số tiền vay đã quá hạn thanh toán phát sinh tại VietinBank tính đến 30/6/2024 là 1.922 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đồng thời, tổng tiền lãi vay ngắn hạn quá hạn phải trả cho VietinBank và một nhà băng khác là 387,6 tỷ đồng. Lãi vay dài hạn, trái phiếu quá hạn phải trả và lãi phạt đã lên đến 10.557 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận giữa Xi măng Công Thanh và VietinBank về việc cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn, trái phiếu đầu tư, Công ty phải thanh toán nợ gốc vay dài hạn, trái phiếu đến hết năm 2035 dựa trên phụ lục lịch trả nợ sau khi đã cơ cấu. Đối với phần lãi phải trả lũy kế đến cuối năm 2016 sẽ được phân bổ để trả từ năm 2020 đến năm 2026. Đối với lãi vay phát sinh hàng năm từ năm 2017 đến năm 2035 sẽ được phân bổ để trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 đến năm 2035. Phần lãi phát sinh còn lại chưa được trả sẽ được thanh toán hết vào năm 2035.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản Công ty đạt 11.811 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên đến 19.558 tỷ đồng do thua lỗ dẫn đến mất vốn chủ sở hữu. Công ty hiện có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Công Lý sở hữu 57,2%; Công ty CP Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai sở hữu 10%.
Ngày 29/11/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1337/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Xi măng Công Thanh với tổng số tiền 507,5 triệu đồng.
Cụ thể, Công ty không công bố thông tin, công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với báo cáo tài chính trong nhiều năm; báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu; tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022, năm 2023 và bán niên năm 2023; Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022, bán niên năm 2023. Công ty đã không đăng ký giao dịch chứng khoán. Theo đó, Công ty hoàn tất đăng ký công ty đại chúng ngày 13/11/2009, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh đó, Công ty không trình bày Nghị quyết Hội đồng quản trị số 01-2023/NQ-HĐQT ngày 5/1/2023 về việc vay tiền của Phó Tổng giám đốc. Ngoài ra, không trình bày thông tin về giao dịch giữa Công ty với người có liên quan, bao gồm giao dịch trả tiền vay cho bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Phó Tổng giám đốc Công ty 10,1 tỷ đồng được ghi nhận tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022; Công ty vay tiền của bà Thảo 17,4 tỷ đồng được ghi nhận trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.