Tính đến cuối tháng 12/2024, tỉnh Quảng Nam mới giải ngân được gần 5.659/9.096 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2022, 2023 và vốn bố trí mới năm 2024. Ảnh: Minh Hạnh |
Dự án Hồ chứa nước Lộc Đại (thôn Lộc Thượng, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quyết định đầu tư tháng 7/2018, với tổng mức đầu tư hơn 291 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh làm chủ đầu tư, ấn định thời gian thực hiện từ 2018 - 2020, nhưng không hoàn thành. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam buộc phải điều chỉnh tiến độ đến tháng 12/2025. Không những kéo dài thời gian triển khai, công trình này còn phải nộp trả nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 36,5 tỷ đồng do không có mặt bằng thi công.
Cũng nằm trong danh mục loạt dự án điều chỉnh đầu tư còn có Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Quảng Nam, tổng vốn đầu tư gần 197 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án này triển khai và hoàn thành từ năm 2022 - 2024. Tuy nhiên, do chậm tiến độ, để tránh nguy cơ mất vốn, Dự án được điều chỉnh hoàn thành sang cuối năm 2025. Trong khi đó, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình điều chỉnh thời gian thực hiện từ giai đoạn 2022 - 2024 sang 2022 - 2025. Đây là 2 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Nam cũng phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối xã Phước Năng - Phước Chánh, huyện Phước Sơn từ năm 2021 - 2024 sang năm 2021 - 2025; Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường nối Quốc lộ 14H đến ĐT.609C, huyện Duy Xuyên và huyện Đại Lộc từ năm 2021 - 2024 sang năm 2021 - 2026.
Cũng nằm trong danh sách các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư là Dự án Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên dài hơn 4 km, vốn đầu tư 280 tỷ đồng, triển khai tháng 4/2020 và tháng 4/2023 phải hoàn thành. Tuy nhiên, các đường dẫn lên cầu Tây An 1 và Tây An 2 vẫn nham nhở, gây khó khăn trong việc lưu thông.
Bên cạnh điều chỉnh thời gian hoàn thành các dự án theo hướng kéo dài, năm 2024, tỉnh Quảng Nam điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 là 222 tỷ đồng đối với các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, mặc dù đã thực hiện các giải pháp linh hoạt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng đến nay vẫn còn 94 dự án của Tỉnh chậm tiến độ.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến cuối tháng 12/2024 còn nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới mức bình quân chung của Tỉnh như: Sở Y tế, Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, BQL dự án đầu tư xây dựng Tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, Ban Dân tộc Tỉnh…
“Không chỉ giải ngân đầu tư công đạt thấp, một số địa phương không thực hiện báo cáo tình hình giải ngân kỳ giải ngân tháng 10/2024. Trong đó, UBND huyện Đông Giang không báo cáo tiến độ giải ngân tại Dự án Đường nội thị phía Tây thị trấn Prao, Cụm công nghiệp thôn Bốn. UBND TP. Tam Kỳ không báo cáo tiến độ giải ngân tại Dự án Đường bao Nguyễn Hoàng. Huyện Tây Giang không báo cáo tại Dự án Đường nội thị Trung tâm hành chính huyện Tây Giang…”, Sở KH&ĐT Quảng Nam thông tin.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, tính đến cuối tháng 12/2024, Tỉnh mới giải ngân được gần 5.659/9.096 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2022, 2023 và vốn bố trí mới năm 2024. Kết quả này còn xa mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân do công tác tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương còn bất cập, công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn; tình trạng thiếu vật liệu xây dựng và điều kiện thời tiết phức tạp; các dự án vốn ODA gặp khó khăn về thủ tục và rút vốn...
Tuy nhiên, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam không đồng tình với các nguyên nhân trên. “Lãnh đạo Tỉnh liên tục tổ chức các cuộc họp, ra văn bản chỉ đạo tập trung quyết liệt hơn, tăng tốc, làm ngày làm đêm để có khối lượng thanh toán, mà chẳng ai làm ngày làm đêm, ra công trình vẫn cứ nằm im. Xe cộ có đó mà không nổ máy, công nhân lèo tèo vài người. Tồn tại này không đổ cho khách quan, chủ yếu là chủ quan. Cùng một bộ máy, cơ chế tại sao nơi này làm được, nơi kia lại không làm được. Cái chính là do thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện”, ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian không còn nhiều nhưng khối lượng công việc, nguồn vốn còn quá lớn nên các chủ đầu tư bằng mọi cách, tập trung giải ngân nguồn vốn được bố trí năm 2024 ở tỷ lệ cao nhất.
“Các chủ đầu tư cứ nói giải ngân và hứa giải ngân nhưng quan trọng nhất là làm cách nào để đi đến mục tiêu đó? Không thể cứ nói là có kết quả đạt 80%, 90%. Phải chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sát việc, sát người hơn”, ông Lê Văn Dũng lưu ý.
Ông Lê Văn Dũng đề nghị các cơ quan thường trực của Tỉnh phân bổ vốn năm 2025 phải xem xét thực lực, giao vốn có cơ sở, đơn vị nào yếu kém thì hạn chế phân bổ vốn; các cơ quan nhận vốn nếu không đúng trách nhiệm phải có ý kiến ngay từ đầu, chấm dứt tình trạng ôm vốn.