Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong câu chuyện với Báo Đấu thầu, đã chia sẻ về một năm thật đặc biệt vừa qua, kỳ vọng về những mùa xuân mới nhiều hứa hẹn của đất nước.
Năm 2022, con tàu kinh tế Việt Nam chịu va đập bởi nhiều đợt sóng lớn, nhưng “sóng cả” đã không làm ngã tay chèo. Điều gì đã làm nên kết quả rất đáng phấn khởi của kinh tế Việt Nam năm qua, thưa Bộ trưởng?
Năm 2022 là một năm rất đặc biệt. Chúng ta đã triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường, không thể dự báo hết được. Nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, đặc biệt lạm phát, lãi suất tăng rất cao, dẫn đến bất ổn kinh tế cũng như khả năng suy thoái kinh tế thế giới ngày càng rõ rệt.
Khó khăn còn đến từ nội tại của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, năng lực của doanh nghiệp tuy có cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều vấn đề tồn đọng, tích tụ lâu dài, nhất là trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, các dự án thua lỗ cần phải tập trung xử lý, tháo gỡ.
Trong bối cảnh này, kết quả phát triển KTXH năm 2022 là rất đáng phấn khởi. Chúng ta đã tận dụng từng cơ hội để có được sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Đồng thời, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Dù khó khăn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đều đạt con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao về những kết quả phát triển kinh tế mà Việt Nam đạt được trong năm 2022, dự báo tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo vẫn chìm trong những khó khăn chưa từng thấy, kể từ sau Thế chiến II.
Kết quả này có được là nhờ trí tuệ tập thể, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; Quốc hội giám sát nhanh, kịp thời, chính xác với rất nhiều quyết sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ trong thời kỳ chống dịch đến khi chuyển trạng thái, phục hồi phát triển kinh tế. Chính phủ điều hành linh hoạt, quyết liệt hành động, có quyết sách đúng và kịp thời, phù hợp tình hình và biến động thực tế, được Quốc hội, nhân dân ủng hộ.
Đứng trước khó khăn, thách thức, triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng hiệu quả. Chính phủ lấy ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng phó với bối cảnh “vạn biến” khi các áp lực trong nước, quốc tế biến động khôn lường. Chính phủ luôn bám sát, kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, từ nền tảng này phấn đấu thúc đẩy phục hồi kinh tế, tăng trưởng cao nhất có thể, vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng và ứng phó với những vấn đề mới.
Trong bối cảnh đầy khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam bằng bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm với đất nước, cùng người lao động đã nỗ lực vượt khó, duy trì, thúc đẩy sản xuất, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho những thành quả chung của đất nước.
Thưa Bộ trưởng, với kết quả đạt được, Việt Nam đang ở đâu trong bức tranh thu hút đầu tư toàn cầu?
Bộ trưởng phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Vietnam Venture Summit 2022 |
Trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam ghi điểm với cộng đồng quốc tế khi vẫn đạt tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Đặc biệt, sự vào cuộc tích cực của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” càng củng cố thêm niềm tin của giới đầu tư quốc tế. Việt Nam được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm địa điểm đầu tư mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chiến lược chuyển trạng thái nhanh nhạy sau đại dịch đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới, là điểm đến mới cho dòng vốn quốc tế.
Là một nền kinh tế năng động trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, Việt Nam giữ được những lợi thế to lớn từ sự ổn định về chính trị, vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào ở thời kỳ dân số vàng, tầng lớp trung lưu đang phát triển, thị trường nội địa rất lớn. Cùng với đó, Chính phủ đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; đồng thời xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân năm 2022 vượt 20 tỷ USD là minh chứng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh, tương lai phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Dù dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của nhiều quốc gia giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vẫn mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản… cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan tăng lên, nhận định Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong các năm tới, là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất khu vực.
Nhiều kết quả đáng phấn khởi, nhưng như Bộ trưởng đã chia sẻ, thách thức phía trước lớn hơn rất nhiều. Việt Nam sẽ phải làm gì để chống chịu những “cơn gió ngược” trong tương lai?
Qua 3 năm nhiều khó khăn, biến động vừa qua, những kết quả đạt được cho thấy khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam đã tốt hơn. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định. Dù vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, song thực lực chưa mạnh, sức cạnh tranh còn yếu.
Năm 2023, Chính phủ xác định thách thức, khó khăn sẽ lớn hơn. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 với các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn. Ngay đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Các giải pháp đã tương đối đầy đủ, quan trọng nhất là sự vào cuộc, hành động quyết liệt của từng bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phát huy những bài học trong năm 2022, quyết tâm hơn khắc phục các hạn chế, để đạt cao nhất mục tiêu đề ra.
Hiện nay, Chính phủ đang tích cực triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều giải pháp nhằm bứt phá về năng lực cạnh tranh. Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ ban hành hệ thống giải pháp đồng bộ, nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động, bao gồm giải pháp về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới đối với từng thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, để có một nền kinh tế tự chủ, cần xây dựng được một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh như mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ này, xây dựng một chương trình hành động thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết.
Bên cạnh củng cố nội lực, việc tạo không gian phát triển mới cho đất nước, tạo động lực tăng trưởng mới đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng trình bày về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV |
Để đạt được tăng trưởng nhanh và bền vững, cần có đột phá mới. Trong đó, cần phân bổ lại các nguồn lực phát triển vào những ngành, lĩnh vực và những vùng, không gian có khả năng đem lại sự phát triển nhanh nhất và có triển vọng lâu dài nhất cho nền kinh tế.
Việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng, cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; mở ra cơ hội phát triển, định hình các giá trị mới cho quốc gia, cho từng vùng và địa phương.
Quan điểm xuyên suốt của việc lập quy hoạch là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao sức cạnh tranh, huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực vì lợi ích quốc gia.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường đầu tháng 1/2023. Đối với 6 quy hoạch vùng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và các quy hoạch còn lại đang trong quá trình hoàn thiện. Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với nguyên tắc thuận thiên và tư duy phát triển mở được đánh giá là bước ngoặt để kích hoạt KTXH, đánh thức tiềm năng của khu vực.
Việc lập quy hoạch tích hợp là vấn đề mới, khó, khối lượng công việc rất nhiều. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực, tích cực phối hợp, tham gia cùng các bộ, ngành, địa phương trong suốt quá trình lập quy hoạch.
Bên cạnh xây dựng quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng. Các công trình khi hoàn thành sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mang tính đột phá phát triển KTXH cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới, kinh tế sẽ phát triển vượt bậc, cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa, tăng cường an ninh quốc phòng và 60% dân số được hưởng lợi. Tuyến đường ven biển vừa giúp ứng phó biến đổi khí hậu, vừa mở rộng không gian phát triển kinh tế; tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối cảng biển, sân bay...
Với những công việc đang rốt ráo triển khai, Bộ trưởng kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2023 và trong trung, dài hạn?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khai mạc Chương trình Tự hào Việt Nam, Chương trình nhân lên niềm hạnh phúc và tự hào gốc Việt, lan tỏa khát vọng đón Năm 2023 với quyết tâm bước tiếp đến thành công |
2023 được xác định là năm bản lề để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025. Tình hình quốc tế và trong nước được dự báo nhiều khó khăn, thách thức hơn, đòi hỏi chúng ta không thể chủ quan lơ là, phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tận dụng các dư địa còn lại để nhanh chóng phục hồi và phát triển. Đồng thời, tiếp tục chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, dành nguồn lực chăm lo an sinh xã hội. Năm nay, rất nhiều gia đình có thể sẽ phải đón một cái tết chưa trọn vẹn do lượng người lao động mất việc lớn trong những tháng gần đây. Đó là điều phải trăn trở, phải có giải pháp hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động, tận dụng mọi khả năng sáng tạo để tìm kiếm cơ hội mới trong dòng dịch chuyển các chuỗi cung ứng. Cùng với chính sách của Nhà nước, doanh nhân Việt cần nhìn thấy trách nhiệm của mình trong góp sức thực thi tầm nhìn, sứ mệnh của quốc gia. Tôi rất mong Việt Nam có một đội ngũ doanh nghiệp vươn tầm khu vực, thế giới, những cánh chim đầu đàn dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp trong nước cất cánh. Cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ, trí thức Việt Nam khắp nơi trên thế giới cần tiếp tục kết nối, phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, góp phần tạo ra sự đổi thay về trình độ công nghệ, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho sự phát triển đất nước.
Có thể thấy rằng, trong nguy luôn có cơ. Thế giới nhiều rủi ro khó lường nhưng cũng đang cấu trúc lại, mở ra nhiều cơ hội lớn cho một Việt Nam đang có đà, có thế và có khát vọng mạnh mẽ tiến tới hùng cường, thịnh vượng.
Mùa xuân của đất trời đang hòa nhịp với mùa xuân của lòng người - bình yên, rắn rỏi hơn sau những mất mát, đau thương từ đại dịch và với mùa xuân của nền kinh tế - khi đã có những phục hồi hết sức mạnh mẽ trong một năm nhiều khó khăn. Với nền tảng được xây đắp vững chắc, sự chuẩn bị, khai phóng động lực, không gian phát triển mới cho đất nước, tôi có niềm tin rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục “vững tay lái” vượt qua những thách thức lớn hơn, tiếp tục tiến nhanh, bền vững trên con đường tới hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam hứa hẹn là điểm đến mới của dòng vốn, tri thức, công nghệ trong một sân chơi mới, cuộc chơi mới đang hình thành./.