Gói thầu số 2 Thi công xây dựng thuộc Dự án Trường Mẫu giáo Phong Phú, phường Láng Tròn (giai đoạn 1) tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu có giá 11,5 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu có giá 11,5 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 23/10 - 1/11/2024, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Giá Rai làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.
Kiến nghị cho biết, mục Chỉ dẫn nhà thầu 10.8 tại HSMT yêu cầu nhà thầu phải nộp cùng hồ sơ dự thầu (HSDT) “chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thi công hạ tầng kỹ thuật”. Trong khi đó, khoản 2.1 Quy mô công trình mục 1 phần I Chương V của HSMT nêu rõ loại công trình là công trình dân dụng (giáo dục). Nhà thầu cho rằng, công trình chính được phê duyệt là công trình dân dụng cấp III, việc HSMT yêu cầu “chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thi công hạ tầng kỹ thuật” bên cạnh yêu cầu “chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình dân dụng hạng III trở lên” là yêu cầu cao, chưa phù hợp.
Về nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần xây dựng), cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần cấp, thoát nước công trình) phải có “chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình dân dụng hạng III trở lên”; cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần hệ thống điện) phải có “chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng đường dây, trạm biến áp hoặc giám sát cơ - điện công trình hoặc giám sát lắp đặt thiết bị vào công trình”; cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần phòng cháy chữa cháy - PCCC) phải có “chứng chỉ hành nghề giám sát về phòng cháy và chữa cháy”.
Nhà thầu dẫn chiếu quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi tại điểm a khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng) về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng: “Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật này bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III”.
Dựa trên căn cứ này, nhà thầu cho rằng, việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần xây dựng), cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần cấp, thoát nước công trình), cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần hệ thống điện), cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần PCCC) là không tuân thủ quy định của pháp luật.
Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu làm rõ và điều chỉnh, sửa đổi các tiêu chí nêu trên cho phù hợp quy định pháp luật. Tính đến chiều 30/10, Bên mời thầu chưa có phản hồi đối với kiến nghị của Nhà thầu.
Theo chuyên gia đấu thầu, căn cứ các thông tin trong HSMT, đây là công trình dân dụng, không phải là tổ hợp nhiều công trình khác nhau, nên việc yêu cầu “chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thi công hạ tầng kỹ thuật” là không phù hợp với tính chất của Gói thầu. Mặt khác, theo quy định tại mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, nhà thầu có thể đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình hoặc không đính kèm chứng chỉ này trong HSDT, kể cả trường hợp HSMT yêu cầu nhà thầu phải có chứng chỉ này. Việc nhà thầu không đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình không phải là lý do loại bỏ nhà thầu. HSDT của nhà thầu vẫn được tiếp tục xem xét, đánh giá và được xét duyệt trúng thầu. Trường hợp trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình trước khi trao hợp đồng. Do đó, việc HSMT yêu cầu đây là tài liệu xét tính hợp lệ của HSDT là chưa phù hợp với quy định.
Liên quan tới cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần xây dựng), cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần cấp, thoát nước công trình), cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần hệ thống điện), chuyên gia đấu thầu cho rằng, HSMT sử dụng từ ngữ không chuẩn xác đối với các nhân sự này. Thực tế, nhân sự đảm nhiệm các vị trí này được gọi là các cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công…, không phải là cán bộ giám sát. Theo quy định pháp luật về xây dựng, cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công chỉ cần có kinh nghiệm chuyên môn phù hợp và không quy định phải có chứng chỉ hành nghề giám sát. Việc yêu cầu chứng chỉ này là không phù hợp quy định.
Đối với cán bộ giám sát kỹ thuật thi công (phần PCCC) - thực tế là cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công (phần PCCC), chuyên gia dẫn chiếu khoản 7 Điều 41 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định, đơn vị thi công phần PCCC (cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống PCCC) phải có ít nhất 1 chỉ huy trưởng thi công được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về PCCC. HSMT yêu cầu chứng chỉ hành nghề giám sát là không phù hợp với quy định về PCCC, chuyên gia khẳng định.