Gỡ điểm nghẽn thủ tục để tăng sức hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội và xúc tiến các dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc tạo “luồng xanh” thủ tục đầu tư cho những dự án ưu tiên thu hút trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ là một cách Việt Nam tạo “vùng trũng” để dòng đầu tư đổ về, như cách nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trước Quốc hội.
Việc xây dựng các quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ gia tăng lợi thế thu hút FDI công nghệ cao của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ảnh: Lê Tiên
Việc xây dựng các quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ gia tăng lợi thế thu hút FDI công nghệ cao của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam có vị thế thuận lợi đón sóng đầu tư mới

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ KH&ĐT, tính đến 31/10/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt khoảng 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục ĐTNN nhận định, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng vốn ĐTNN đăng ký chỉ tăng nhẹ, giảm 9,7 điểm phần trăm so với mức tăng 9 tháng (11,6%). Vốn đầu tư điều chỉnh 10 tháng năm 2024 duy trì mức tăng mạnh (41,7%) so với cùng kỳ năm trước, song vốn đầu tư mới lại giảm 2,5% mặc dù số dự án đầu tư mới tăng 1,4%. Nguyên nhân chính là do các dự án đầu tư mới trong tháng 10/2024 có quy mô nhỏ, chỉ ít dự án có vốn đầu tư từ trên 100 triệu USD đến hơn 300 triệu USD. Trong khi đó, tháng 10/2023 có 3 dự án có vốn đầu tư từ trên 500 triệu USD đến 1,5 tỷ USD.

Về trung, dài hạn, nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực mới. Ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp thuộc HSBC Việt Nam nhận định, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) chia sẻ thực tiễn có khu công nghiệp thu hút 1 dự án 500 triệu USD và nhà đầu tư chỉ muốn làm trong vòng 10 tháng để sớm đưa vào hoạt động, khả năng của họ làm được. Nhưng để làm được, trước khi có giấy phép xây dựng thì họ phải làm thủ tục môi trường, thủ tục phòng cháy, chữa cháy, mất 6 đến 8 tháng, sau đó mới cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, ông Joon Suk Park cho rằng, cơ hội từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu cũng mở ra với nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Các quốc gia láng giềng sẽ không đứng ngoài cuộc. Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đang có những động thái để thu hút thêm FDI. Sự cạnh tranh là rất cao.

Theo ông Joon Suk Park, đối với Việt Nam, những trở ngại về mặt cấu trúc vẫn còn. Tốc độ giải quyết những thách thức này sẽ quyết định mức độ tỏa sáng trong tương lai của Việt Nam. Cải thiện về nhân lực chất lượng cao, hạ tầng, năng lượng cũng như việc tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý là những việc cần làm để Việt Nam tiếp nhận dòng đầu tư bền vững hiện tại và tương lai.

Tạo đột phá từ thủ tục hành chính

Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) chia sẻ thực tiễn có khu công nghiệp thu hút 1 dự án 500 triệu USD và nhà đầu tư chỉ muốn làm trong vòng 10 tháng để sớm đưa vào hoạt động, khả năng của họ làm được. Nhưng để làm được, trước khi có giấy phép xây dựng thì họ phải làm thủ tục môi trường, thủ tục phòng cháy, chữa cháy, mất 6 đến 8 tháng, sau đó mới cấp phép xây dựng.

Với quan điểm dự án đầu tư đưa vào khai thác càng nhanh, nền kinh tế và người dân càng được hưởng lợi sớm, ông Chung cho rằng, nếu đơn giản hóa thủ tục về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, sẽ giúp rút ngắn thời gian đầu tư, đơn giản hóa thủ tục. “Không ai đi đầu tư một số tiền lớn như vậy lại không tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy, chữa cháy vì họ sẽ phải đối diện với những quy định rất nghiêm khắc, không được phép hoàn công và hoạt động. Vì thế không cần tiền kiểm, mà chuyển sang hậu kiểm. Pháp luật về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy rất nghiêm khắc, chặt chẽ, bản thân ban quản lý khu công nghiệp cũng phải giám sát những việc đó vì chịu trách nhiệm về xả thải, quản lý môi trường…”, ông Chung nêu quan điểm.

Khi làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận chiều 6/11/2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc lại ví dụ Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày, Dubai xây dựng một thành phố 600 ha, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD làm đúng 5 năm và ở Dubai, cả một dự án như vậy không sai một ngày. Theo Bộ trưởng, điều quan trọng để họ làm nhanh như vậy là ở hậu kiểm, là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để thực hiện và không cần phải xin phép trước, nhà đầu tư đăng ký và làm, sai thì chịu trách nhiệm. Tất cả mọi thứ rạch ròi giữa nhà nước quản lý và tự chủ của nhà đầu tư, rất thông thoáng, thuận lợi và hấp dẫn, thu hút được rất nhiều nhà đầu tư.

Trong tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Chính phủ nêu rõ, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy… Việc thực hiện thủ tục về đầu tư kéo dài qua nhiều bước, nhiều khâu liên quan đến quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan. Quy trình này chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo…

Tính từ đầu năm đến 31/10/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Tính từ đầu năm đến 31/10/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Ở một số quốc gia, ngoài việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở áp dụng các thủ tục hành chính đặc biệt đã và đang được thực hiện ở các mức độ khác nhau… Do đó, việc xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án công nghệ cao là cần thiết và cấp bách.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc sửa Luật Đầu tư lần này thiết kế một “luồng xanh” - thủ tục đầu tư đặc biệt để thu hút dự án công nghệ cao trong bối cảnh cạnh tranh rất quyết liệt hiện nay. Doanh nghiệp đầu tư dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần giấy đăng ký đầu tư và trong vòng 15 ngày phải cấp xong giấy đăng ký. Về thủ tục xây dựng, nhà đầu tư dự án công nghệ cao sẽ tự làm báo cáo tác động môi trường và báo cáo phòng cháy, chữa cháy theo tinh thần tự làm, tự chịu trách nhiệm. Các KCN, KCX đã thực hiện đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy rồi nên giờ yêu cầu từng nhà đầu tư phải đi xin nữa là không cần thiết. Thay vào đó, cần trao cho doanh nghiệp quyền tự làm, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm, nếu có vi phạm thì họ phải chịu trách nhiệm.

“Lần này sẽ làm mạnh như thế và chúng tôi còn muốn mạnh nữa. Chúng ta còn muốn là một cửa, giao trách nhiệm cho các ban quản lý xử lý ngay tại chỗ. Ban quản lý làm sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư và sát thực tiễn hơn chứ không phải lên bộ này, ngành kia, không phải lên sở. Đây là việc lâu dài, chúng tôi muốn tổng kết, đánh giá và muốn nhân rộng mô hình 1 cửa này, tránh một thủ tục phải xin mấy năm, làm lỡ hết cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Chuyên đề