Giá nhà đất sẽ giảm khi đánh thuế bất động sản thứ hai?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ý kiến tán thành việc Chính phủ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với các trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ và kỳ vọng, chính sách này sẽ góp phần bình ổn giá nhà, đất, mở rộng số lượng người dân có cơ hội an cư.
Thuế bất động sản đã được nhiều quốc gia áp dụng, nhằm bảo đảm bình ổn thị trường nhà ở, quản lý hiệu quả tài nguyên quốc gia và góp phần gia tăng ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Thuế bất động sản đã được nhiều quốc gia áp dụng, nhằm bảo đảm bình ổn thị trường nhà ở, quản lý hiệu quả tài nguyên quốc gia và góp phần gia tăng ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản (BĐS), trong đó có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, để báo cáo cấp có thẩm quyền. Việc thực hiện cải cách các chính sách thuế liên quan đến BĐS được đặt trong tổng thể việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực tế, vấn đề đánh thuế BĐS đã được đưa ra thảo luận và “nâng lên đặt xuống” trong nhiều năm qua và luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Bà Cao Thị Thanh Hương, chuyên gia BĐS tại Savills Việt Nam cho biết, thuế BĐS là một công cụ tài chính hiệu quả, đã được nhiều quốc gia áp dụng, nhằm bình ổn thị trường nhà ở, quản lý tài nguyên quốc gia và góp phần gia tăng ngân sách nhà nước. Tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thuế BĐS lâu nay mới chỉ dừng lại việc đề xuất, chưa được áp dụng, nhưng đây là giải pháp nên tính đến trong tương lai gần.

Đại diện Công ty TNHH MTV Viet Star Home cho rằng, việc đánh thuế với những người có nhiều BĐS ở nước ngoài đã làm từ nhiều năm nay. Ở Việt Nam, trước sau gì cũng phải tính đến vấn đề này, tuy nhiên, chọn thời điểm nào để triển khai lại là một chuyện khác. “Tôi cho rằng, việc áp dụng nên lùi lại một vài năm nữa là phù hợp, bởi thị trường BĐS hiện chưa ổn định, trong khi nguồn thu từ đất đai thì nhiều. Nếu thực thi sớm quá sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trước mắt đến thị trường vì khả năng giao dịch sẽ chững lại”, đại diện Viet Star Home chia sẻ.

Có một nghịch lý là, thời gian qua, thị trường BĐS rơi vào trầm lắng, nhưng giá nhà ở liên tục tăng mạnh, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay. Theo đó, đề xuất đánh thuế BĐS thứ hai nhận được sự tán thành của nhiều chủ thể, nhất là những người có mong muốn sở hữu BĐS, với kỳ vọng sắc thuế mới sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch, ổn định, tránh đầu cơ thông qua công cụ tài chính là chính đáng.

Một nghiên cứu gần đây của Savills Việt Nam cho hay, tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, căn hộ sơ cấp dưới 2 tỷ đồng hoàn toàn biến mất. Trên thị trường BĐS tại 2 thành phố này, nguồn cung giá hợp lý giảm từ mức 60% năm 2016 xuống chỉ còn 35% năm 2024. Giá nhà hợp lý được hiểu là quanh mức 3 tỷ đồng. Nếu cứ để tình trạng giá nhà, đất tăng liên tục thì giá loại tài sản này sẽ ngày càng xa giá trị thực, đồng thời có thể làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và tiềm ẩn bất ổn an sinh về lâu dài.

“Tôi nghĩ, việc áp thuế BĐS đối với người sở hữu nhiều tài sản chỉ còn là vấn đề thời gian. Mấu chốt còn lại là phải xác định mức thuế hợp lý, để hài hòa giữa Nhà nước, người đóng thuế và cân bằng được sự phát triển của thị trường địa ốc”, chuyên gia BĐS Nguyễn Phạm Hữu Hậu bình luận.

Theo luật sư Trần Khánh Ly, ở Việt Nam, khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng BĐS, bên bán và bên mua chịu 5 loại phí: lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, phí thẩm định hồ sơ, phí công chứng và lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nghĩa là, hiện tại, chủ sở hữu BĐS ở Việt Nam không phải chi trả thuế tài sản, trong khi khung thuế/phí chuyển nhượng thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Ở Mỹ, đối với người bán nhà, phải trả phí cho việc chuyển nhượng là 0,5% trên giá bán. Trường hợp có lãi, sẽ chi trả thêm khoản thuế lợi tức. Tùy thuộc vào đặc điểm tài sản, quy định của tiểu bang mà mức thuế áp dụng dao động từ 12 - 18% giá trị lợi nhuận ròng. Lợi nhuận ròng được tính bằng giá bán trừ đi các khoản chi phí mua bán, sửa chữa trong suốt quá trình sở hữu tài sản.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về chủ đề này, ông Phan Công Chánh – Tổng giám đốc Phú Vinh Group tán thành với phương án đánh thuế với BĐS thứ hai vì cho rằng giải pháp trên là đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, nên áp dụng sau 18-24 tháng nữa thì hợp lý, do thị trường đang giai đoạn hồi phục, sợ triển khai sớm sẽ bị ảnh hưởng.

“Về thuế suất nên áp dụng một cách hợp lý, bởi đánh thuế cao quá thì ít người giao dịch khiến Nhà nước thất thu, còn thấp quá thì lại khó giảm nhiệt về giá đối với sản phẩm BĐS. Ở nhiều nước họ đánh thuế trên tổng giá trị tài sản, thường là từ 1 triệu USD trở lên. Ở Việt Nam có lẽ cũng nên áp dụng ở mức trên 20 tỷ đồng đối với tổng giá trị tài sản ở khu vực thành thị, nhưng cần thí điểm và có lộ trình. Đối với vùng nông thôn, mức áp thuế nên thấp hơn, bởi BĐS ở nông thôn đôi khi 5-10 căn nhà không bằng giá trị của một căn nhà ở đô thị lớn”, ông Chánh nêu quan điểm.

Chuyên đề