Trang web Việt HP đăng tải dự án đường 221A - Ảnh: Chụp từ màn hình |
Từ tháng 8.2015 đến nay, nhiều doanh nghiệp có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, Công an TP.Hà Nội và Cục CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ dấu hiệu lừa đảo của Quỹ quản lý tài sản và cố vấn đầu tư Việt HP.
Ngày 25.1.2015, tại xã Tây Giang, H.Tiền Hải, UBND tỉnh Thái Bình khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng ven biển phía nam tỉnh Thái Bình (đường 221A) với sự tham dự của hàng ngàn người dân địa phương và lãnh đạo tỉnh.
Tuy nhiên đến ngày 14.8.2015, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 1843/QĐ-UB chấm dứt hợp đồng thực hiện dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Việt HP với lý do nhà đầu tư này đã vi phạm một số điều khoản ghi trong hợp đồng và không có hành động tích cực xử lý. Cụ thể, hợp đồng dự án được ký ngày 9.1.2015 nhưng đến ngày 17.4.2015 nhà đầu tư mới cung cấp thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Ngân hàng A., trong khi đó ngày 29.6.2015 phía Ngân hàng A. xác nhận thư bảo lãnh này không do ngân hàng phát hành. Việc làm này vi phạm khoản 1 điều 72 luật Đấu thầu ngày 26.11.2013. Đồng thời, nhà đầu tư đã không bố trí kinh phí, không chuyển tiền theo cam kết hợp đồng trong việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo phương án đã được UBND H.Tiền Hải phê duyệt tại các xã Nam Phú, Nam Thanh, Tây Giang.
Nhiều doanh nghiệp nộp hàng chục tỉ
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án đường 221A có tổng chiều dài 18,5 km chạy dọc ven biển thuộc H.Tiền Hải, Thái Bình với tổng mức đầu tư 879,4 tỉ đồng được UBND tỉnh Thái Bình giao cho Quỹ quản lý tài sản và cố vấn đầu tư Việt HP (gọi tắt là Việt HP) làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) từ cuối năm 2014. Đầu năm 2015, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, Việt HP đã thành lập doanh nghiệp quản lý dự án là Công ty TNHH đầu tư và vận hành dự án Việt HP và ký hợp đồng mời hàng loạt doanh nghiệp tham gia thi công các hạng mục liên quan theo hình thức chỉ định thầu. Trong đó, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình thủy (Wacose), Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Phú Xuân tham gia gói thầu trị giá 210 tỉ đồng, Công ty xây dựng giao thông số 5 (Cienco 5) tham gia gói thầu trị giá 47,5 tỉ đồng...
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để được tham gia thi công, Việt HP đã yêu cầu các doanh nghiệp nộp hàng loạt khoản tiền mặt gọi là chi phí khởi công, chi phí chuẩn bị mặt bằng, tiền bảo lãnh tương ứng từ 1 - 3% giá trị hợp đồng. Theo đó, Wacose đã nộp cho Việt HP hơn 5,7 tỉ đồng, Cienco 5 nộp hơn 1,5 tỉ đồng... “Trong quá trình làm việc phía Việt HP cung cấp đầy đủ văn bản pháp lý liên quan dự án và cả bảo lãnh dự án hàng chục tỉ đồng thì chúng tôi tin tưởng nộp tiền cho họ”, đại diện Wacose nói. Sau khi vụ việc vỡ lở đã có trên 10 doanh nghiệp trình báo đến cơ quan chức năng về sự việc nêu trên với số tiền họ đã nộp cho Việt HP lên tới hàng chục tỉ đồng.
“Chúng tôi không đi kiểm tra thực tế”
Trả lời Thanh Niên về lý do chấm dứt hợp đồng với Việt HP, ông Phạm Văn Nam - Chánh văn phòng Sở GTVT tỉnh Thái Bình, đơn vị chuyên môn theo dõi thực hiện dự án theo phân công của UBND tỉnh Thái Bình, cho biết: “Trong quá trình thực hiện dự án, phía Việt HP liên tục chậm tiến độ, chúng tôi nghi ngờ nhà đầu tư này không có năng lực chuyên môn lẫn năng lực tài chính, ký hợp đồng với tỉnh xong thì huy động nhân lực, máy móc, tiền bạc các doanh nghiệp khác đi làm. Đây là kiểu tay không bắt giặc”, ông Nam nói.
Ông Lại Quốc Hoàn - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình, cho biết theo quyết định của UBND tỉnh Thái Bình về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Việt HP, từ tháng 8.2015 đến nay nhà đầu tư này không hợp tác để thanh lý hợp đồng. Ông Hoàn cho biết thêm: “Chúng tôi đã mời 3 lần nhưng họ không tới, hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục có giấy mời”.
Trả lời câu hỏi vì sao nhà đầu tư không có năng lực tài chính lẫn chuyên môn mà vẫn được chọn để thực hiện dự án gần cả ngàn tỉ đồng? Ông Lại Quốc Hoàn cho biết Sở GTVT không tham gia vào việc thẩm định vì ký hợp đồng với nhà đầu tư là do UBND tỉnh. Trong khi đó, ông Phạm Văn Xuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng “đá” trách nhiệm sang cho Sở GTVT và Sở KH-ĐT vì cho rằng đây là những đơn vị chuyên môn được UBND tỉnh phân công phối hợp thực hiện dự án. Sau nhiều lần hẹn, PV đã tiếp xúc được với ông Nguyễn Tuấn - Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, ông Tuấn thông tin ngắn gọn: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp nộp tiền cho Việt HP nhưng đây là quan hệ giữa các doanh nghiệp, tỉnh không biết và không can thiệp. Dự án chỉ mới triển khai trên giấy tờ, còn thực tế chưa có gì nên ngân sách nhà nước không ảnh hưởng gì, chúng tôi đã thu hồi lại nhà, địa điểm HP Việt dùng làm trụ sở ban quản lý dự án”.
“Họ có đủ hồ sơ giấy tờ theo quy trình quy định thì chúng tôi cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký hợp đồng thôi. Chúng tôi chỉ thẩm định trên giấy tờ chứ không đi kiểm tra thực tế”, ông Tuấn thừa nhận nếu tiếp tục như vậy thì tỉnh sẽ thanh lý hợp đồng đơn phương.