Dây chuyền kéo sợi của Tập đoàn Texhong đầu tư tại KCN Hải Hà (Quảng Ninh) |
Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà (Tập đoàn Texhong) - nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà do Tập đoàn Texhong làm chủ đầu tư, vừa cho chạy thử thành công dây chuyền kéo sợi của nhà máy số 1 có công suất 150.000 cọc sợi và đã có sản phẩm xuất khẩu. Nhà máy này thuộc giai đoạn I của Dự án đầu tư chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung hiện đại quy mô lớn. Trong giai đoạn này, 2 nhà máy kéo sợi có công suất 250.000 cọc sợi/năm sẽ được xây dựng, với tổng mức đầu tư là 90 triệu USD.
Dự kiến đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2016, nhà máy thứ 2 có công suất 100.000 cọc sợi sẽ được hoàn thiện và đi vào sản xuất. Toàn dự án có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD được xây dựng với quy mô gồm: 3 nhà xưởng kéo sợi, 3 nhà xưởng dệt vải, 2 nhà xưởng nhuộm.
Theo lộ trình, thì đến cuối năm 2017, toàn bộ hai dự án Texhong Hải Yên và Texhong Ngân Hà tại Quảng Ninh được hoàn thiện sẽ có quy mô là 800.000 cọc sợi/năm, tổng năng lực sản xuất khoảng 400 tấn/năm với 1.200 cỗ máy dệt.
Như vậy, với 2 nhà máy mà Texhong đầu tư trước đó tại Đồng Nai có quy mô 500.000 cọc sợi (hoạt động từ năm 2007), thêm hai dự án lớn mà Tập đoàn này triển khai tại Quảng Ninh, Texhong sẽ có tổng công suất lên đến 1,3 triệu cọc sợi.
Mới đây nhất, theo thông tin theo tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Aditya Birla - tập đoàn hàng đầu Ấn Độ về sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu dệt may, sẽ trở lại Việt Nam vào đầu năm 2016. Mục tiêu của Aditya Birla là đầu tư lĩnh vực kéo sợi, dệt vải và nhuộm hoàn tất.
Một dự án khác cũng có quy mô khá lớn của Công ty TNHH May Tinh Lợi. Ông Lê Hồng Quân, Phó tổng giám đốc Công ty May Tinh Lợi, thành viên của Tập đoàn Crystal cho biết, Crystal đang liên kết với Công ty Pacific để thành lập liên doanh mới - Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal, để đầu tư dự án dệt tại KCN Lai Vu (Hải Dương). Mong muốn của Tập đoàn Crystal là trở thành nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp này, đưa nơi đây trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vệ tinh của ngành công nghiệp dệt may, nhằm đón đầu Hiệp định TPP.
Đó là các dự án FDI, một số doanh nghiệp trong nước cũng đầu tư nhà máy sản xuất vải. Mới đây, nhà máy sản xuất vải Yarndyed, quy mô 10 triệu mét/năm, do Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex) làm chủ đầu tư đã chính thức đi vào vận hành sau hơn 2 năm xây dựng.
Theo Vitas, hiện Việt Nam chỉ sản xuất được gần 3 tỷ mét vải/năm, trong khi nhu cầu cần tới 8,7 tỷ mét vải/năm. Đây quả là một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia.
Theo Vitas, chưa khi nào dệt may lại đón dòng vốn FDI lớn như khoảng thời gian 2 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng trong năm 2014, FDI vào lĩnh vực dệt may đã đạt 1,64 tỷ USD. Năm 2015, con số này khoảng 2 tỷ USD - là khoản vốn cao kỷ lục.
“Với điều kiện về quy tắc xuất xứ tại các FTA, trong đó với TPP là quy định quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, Việt Nam đang là điểm đến của những dự án FDI trong lĩnh vực này”, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký của Vitas nhận định.