Đề xuất cơ chế, chính sách gỡ khó đầu tư công trình giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023.
Chính phủ đề xuất một số chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ đề xuất một số chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Ảnh: Lê Tiên

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ cho rằng, căn cứ các nghị quyết, kết luận của Đảng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thời gian qua, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông là có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất các chính sách trong Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, gồm: không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của Nhà nước trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP (Luật PPP quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50%, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng); giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án giao thông, có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương khi cần thiết; giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án liên kết vùng đi qua địa bàn hai tỉnh và hỗ trợ vốn cho địa phương khác, cùng với hỗ trợ của ngân sách của trung ương khi cần thiết.

Các chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực (vốn nhà nước, vốn tư nhân; vốn trung ương, vốn địa phương; vốn đầu tư công, vốn tiết kiệm chi, tăng thu…) cho đầu tư xây dựng các công trình giao thông, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc tới năm 2030.

Chuyên đề